Những ý tưởng vĩ đại khởi nguồn từ giấc mơ
Giấc mơ của ông hoàng truyện kinh dị
Một nghiên cứu của Đại học Iowa (Mỹ) công bố năm 2003 cho thấy, những người sống mơ mộng, phóng khoáng và nhiều khả năng tưởng tượng thường có các giấc mơ sống động hơn.
Khi thức dậy họ cũng nhớ được giấc mơ nhiều hơn người bình thường. Có lẽ chính vì lý do này mà các văn nghệ sĩ có thể biến giấc mơ thành tác phẩm.
Stephen King, một trong những nhà văn viết truyện kinh dị nổi tiếng nhất thế giới, khi được hỏi về quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết Misery (đề cử Giải thưởng tiểu thuyết hư cấu xuất sắc nhất năm 1988) đã cho biết:
"Tôi chợp mắt trên một chuyến bay và mơ thấy một phụ nữ giam cầm một nhà văn, sau đó giết ông ta, lột da, mang các phần thi thể cho lợn ăn, còn da thì dùng để bọc sách của con người tội nghiệp đó". Khi thức dậy, Stephen King ngay lập tức bắt tay vào viết.
Tuy cốt truyện sau này có thay đổi chút ít, nhưng ông đã hoàn thành khoảng 40 - 50 trang đầu của cuốn tiểu thuyết trong một thời gian cực ngắn, gần như chỉ vừa xuống máy bay.
Trong một cuộc phỏng vấn, Stephen King mô tả cách ông sử dụng các giấc mơ vào công việc sáng tác:
"Tôi dùng chúng như cách mọi người dùng gương để nhìn mái tóc phía sau gáy. Đối với tôi, giấc mơ là cách mà tâm trí con người dùng để thể hiện bản chất các vấn đề mà họ gặp phải hoặc để thể hiện câu trả lời cho các vấn đề này bằng ngôn ngữ biểu tượng".
Cũng giống như King, nhiều nhà văn khác cũng lấy cảm hứng sáng tác từ các giấc mơ. Nữ văn sĩ Anh Mary Shelley tạo ra nhân vật kinh điển Frankenstein khi mới 19 tuổi, dựa trên một hình ảnh bà thấy trong mơ khi đi nghỉ cùng người yêu ở hồ Geneva (Thụy Sĩ).
Tiểu thuyết "Trường hợp kỳ lạ của bác sĩ Jekyll và ông Hyde" cũng ra đời từ một giấc mơ.
Giấc mơ và giải Nobel
Otto Loewi (áo sẫm), nhà khoa học đoạt giải Nobel với giấc mơ giúp chứng minh một ý tưởng đã ấp ủ 17 năm. |
Từ những năm 1950, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, giấc mơ thường xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn ngủ REM (ngủ động mắt nhanh).
Trong giai đoạn này, não con người hoạt động mạnh, nhưng không theo cách giống như khi chúng ta thức.
Khi ngủ REM, các vùng não liên quan đến cảm xúc bản năng và tưởng tượng thị giác làm việc rất tích cực, trong khi các vùng não chịu trách nhiệm về khả năng tập trung lý trí thì ngược lại.
Điều đó giải thích tại sao các giấc mơ thường đầy cảm xúc và hình ảnh.
Những nghiên cứu gần đây về giai đoạn ngủ REM và giấc mơ cho thấy đây là những tác nhân tích cực đối với khả năng hoạt động trí tuệ.
Trong một nghiên cứu của Đại học Y Harvard (Mỹ), những người tình nguyện được yêu cầu tìm hiểu đường đi trong một mê cung 3 chiều trên máy tính.
Năm giờ sau, họ phải tìm đường đến một cái cây từ một vị trí ngẫu nhiên trong mê cung. Những người đã đi ngủ và nằm mơ sau khi nghiên cứu mê cung đã hoàn thành nhiệm vụ này nhanh và chính xác hơn gấp 10 lần so với những người không ngủ hoặc không mơ.
GS Robert Stickgold, lãnh đạo nhóm nghiên cứu cho rằng "giấc mơ là cách để bộ não xử lý, tập hợp và hiểu cặn kẽ các thông tin mới".
Một nghiên cứu khác của Đại học California San Diego (Mỹ) công bố tháng 8/2010 cũng cho thấy, giấc mơ giúp tăng cường trí nhớ và khả năng giải quyết vấn đề.
Những kết quả nghiên cứu này giúp lý giải phần nào việc một số nhà khoa học đi đến những phát kiến đột phá sau những giấc mơ.
Một trường hợp nổi tiếng là nhà sinh lý học người Đức Otto Loewi, người được coi là "cha đẻ của Khoa học thần kinh".
Năm 1903, ông đưa ra ý tưởng về hiện tượng truyền dẫn hóa học của xung thần kinh, nhưng không tìm được cách chứng minh. Ý tưởng này tưởng như đã bị chìm trôi, cho đến 17 năm sau. Loewi kể lại rằng:
"Vào đêm trước ngày Chủ nhật Phục sinh, tôi tỉnh dậy, bật đèn và ghi vài dòng vào một mảnh giấy nhỏ, sau đó lên giường ngủ tiếp. Khoảng 6h sáng, khi dậy hẳn, tôi mới nhận ra rằng đêm qua tôi đã viết điều gì đó rất quan trọng, nhưng không thể đọc được vì chữ nguệch ngoạc quá.
Đêm kế tiếp, vào khoảng 3h, ý tưởng chợt quay lại trong giấc mơ. Đó là chi tiết một thí nghiệm giúp xác định liệu ý tưởng về truyền dẫn hóa học có đúng đắn hay không. Tôi choàng dậy ngay lập tức, đến thẳng phòng thí nghiệm, làm một lần duy nhất theo đúng những gì đã thấy trong đêm".
Năm 1936, thí nghiệm này đã góp phần quan trọng mang lại cho Otto Loewi giải Nobel Y sinh học.
Trở thành triệu phú nhờ một giấc mơ
Yesterday, ca khúc bất hủ ra đời từ một giấc mơ. |
Madame C.J. Walker, người được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là người phụ nữ Mỹ đầu tiên trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng cũng thành công nhờ nằm mơ.
Sau một thời gian dài vật lộn với các bài thuốc chữa bệnh viêm da đầu gây rụng tóc mà rất nhiều phụ nữ Mỹ cuối thế kỷ XIX gặp phải do điều kiện vệ sinh kém, một đêm, Walker mơ thấy một người da đen cao lớn đến trước mặt, nói cho bà công thức một hỗn hợp.
Chế thử để dùng trong vài tuần, Walker thấy tóc mọc lại nhanh hơn rụng đi. Những chai thuốc này là nền tảng đầu tiên để một phụ nữ Mỹ gốc Phi, con gái của một cặp vợ chồng nô lệ trở thành bà chủ của một hãng mỹ phẩm danh tiếng.
Đối với Elias Howe, nếu không có một giấc mơ, có lẽ ông sẽ còn mãi trăn trở với ý nghĩ làm thế nào để chế tạo ra một chiếc máy với cây kim xuyên được chỉ qua vải. Còn đối với nhân loại, nếu không có giấc mơ này, có lẽ chúng ta vẫn còn khâu vá bằng tay.
Ý tưởng về chiếc máy khâu đã được Elias Howe ấp ủ trong nhiều năm, nhưng ông không thể biến nó thành hiện thực. Ban đầu, ông dùng cây kim nhọn cả hai đầu và có lỗ xỏ chỉ ở giữa, nhưng thất bại.
Một đêm, Howe nằm mơ bị một nhóm thổ dân bắt giam. Họ cầm giáo nhảy múa quanh ông. Nhìn kỹ, Howe thấy giáo của thổ dân có lỗ ở gần mũi. Khi tỉnh dậy, ông nhận ra đó chính là giải pháp cho vướng mắc của mình. Chiếc máy khâu đã ra đời như vậy.
"Tôi tỉnh dậy, một giai điệu da diết còn vang vọng trong đầu. Tôi tự nhủ: "Tuyệt quá, gì thế này". Vừa hay có một chiếc piano cạnh giường...". Paul McCartney, thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles kể lại hoàn cảnh ra đời của ca khúc Yesterday (Ngày hôm qua) vào năm 1965. Ra đời từ giấc mơ của người nghệ sĩ, Yesterday nhanh chóng trở thành một ca khúc nổi tiếng toàn cầu.Theo hãng ghi đĩa BMI, Yesterday đã được trình diễn hơn 7 triệu lần chỉ trong thế kỷ XX. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo