Pháp luật

Niêm phong ba máy mổ Phaco tại BV Mắt TP.HCM

Sở Y tế chưa thẩm định, chưa cho phép nhưng bệnh viện đã đặt máy.

Theo một nguồn tin, Sở Y tế vừa niêm phong ba máy mổ Phaco hiệu Conturion tại Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM để chờ xử lý vì chưa tuân thủ về điều kiện cũng như có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc đặt máy này.

Đặt máy chưa qua thẩm định

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 10-2013, BV Mắt ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển (Hà Nội) hợp tác phát triển kỹ thuật Phaco. Theo đó, công ty này lắp đặt máy LenSx Laser System trị giá hơn 13 tỉ đồng. Đổi lại, BV Mắt ký cam kết mua các sản phẩm sử dụng trong mổ mắt của công ty này trị giá lên đến gần 110 tỉ đồng. Thời gian hợp đồng là 60 tháng. Tiếp đó, tháng 7-2014, công ty ở Hà Nội lắp đặt và bàn giao ba máy Phaco Conturion tại khoa Phẫu thuật BV Mắt mà không có hợp đồng hợp tác như máy LenSx Laser System.

Đáng lưu ý là việc hợp đồng đặt máy LenSx Laser System cũng như ba máy Phaco Conturion có nhiều điểm khuất tất, chưa phù hợp.

Về thời hạn hợp đồng, chỉ đạo của UBND TP trong việc mua sắm vật tư tiêu hao trong BV bằng hình thức đấu thầu chỉ có thời hạn 12 tháng nhưng BV lại hợp đồng đặt máy LenSx Laser System đến 60 tháng. Còn việc lắp đặt ba máy Phaco Conturion thì chưa được sự cho phép, thẩm định từ cơ quan chủ quản là Sở Y tế TP.HCM.

Hai máy mổ Phaco hiệu Conturion bị niêm phong để tại hành lang phòng mổ BV Mắt TP.HCM chờ xử lý. Ảnh: TÙNG SƠN

Lý giải của bệnh viện

Theo ông Phí Duy Tiến - Phó Giám đốc BV Mắt TP.HCM, các máy trên là của hãng Alcon. Chuyện niêm phong là định kỳ của Sở Y tế, là quản lý ngành dọc để kiểm tra... “Nếu BV mua máy hoặc đặt máy dưới một hình thức gì đó thì phải xin phép nhưng ở đây họ chỉ mới chào hàng, còn đang xem cái máy như thế nào và việc đặt máy là theo chủ trương của ban giám đốc và của các đoàn thể BV” - ông Tiến nói.

Về cam kết sử dụng mua các sản phẩm dùng trong phẫu thuật nhãn khoa năm năm, trị giá gần 110 tỉ đồng, ông Tiến lý giải: “Các máy trên BV đều không phải trả tiền. Còn việc mua vật tư, hóa chất là thông qua đấu thầu. BV cam kết theo số lượng đấu thầu và nếu năm này sử dụng hết số đấu thầu thì năm tới cũng sẽ sử dụng số đấu thầu đó. Vì nếu không có máy của công ty thì BV cũng phải sử dụng sản phẩm do công ty cung cấp. Cụ thể là sử dụng thiết bị thủy tinh thể nhân tạo của hãng nhưng thủy tinh thể có nhiều hãng và tùy thuộc bệnh nhân chọn lựa. Hiện BV có khoảng gần chục hãng cung cấp thủy tinh thể nên không có hãng nào độc quyền.

Còn việc ký năm năm, BV đã xin chủ trương vì nếu không ký như thế thì BV chẳng có cái máy nào cả nhưng sản phẩm thì vẫn cứ dùng”.

Việc đặt máy và tiêu thụ sản phẩm đi kèm sự ràng buộc của các công ty, ông Tiến cho rằng: BV và bệnh nhân được lợi. Bởi Nhà nước không mất gì nhưng BV thì được máy, bệnh nhân được phương tiện tốt. Hãng sản xuất cũng sẽ thay máy mới khi muốn thu hồi toàn bộ máy mổ Phaco đời trước.

Theo ông Tiến, sau khi BV làm đủ quy trình, BV sẽ sử dụng các máy này (đang bị niêm phong) chứ không trả.

Với nghi vấn mà dư luận râm ran là bác sĩ phẫu thuật BV Mắt được nhận tiền “bồi dưỡng” của các hãng thiết bị qua tài khoản cá nhân..., ông Tiến lý giải: “Việc đấu thầu đều nằm trong dự toán, các hãng sợ nếu mổ ít thì việc sử dụng thủy tinh thể sẽ ít, kéo theo việc kẹt hàng nên họ quảng bá sản phẩm. Còn chuyện tiêu cực hoa hồng như thế nào thì tôi không biết. Bản thân tôi là phẫu thuật viên nhưng tôi có nhận đâu!”...

 Làm gì có chuyện cho không

Qua lý giải của BV Mắt, hàng loạt bất hợp lý, khuất tất trong việc đặt máy và tiêu thụ vật tư:

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tất cả máy móc trước khi đưa vào sử dụng cho bệnh nhân phải được thẩm định, cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Ở đây, bệnh viện đã tự ý cho phép đặt máy là sai quy trình.

Việc BV Mắt trả lời về việc mua vật tư tiêu hao đã được Sở Y tế đấu thầu là không đúng. Bởi UBNDTP đang chỉ đạo đấu thầu tập trung vật tư tiêu hao và chưa có kết quả.

BV Mắt cho rằng Nhà nước không mất tiền lại có máy, người dân được lợi, sự thật có phải vậy? Công ty bỏ ra 13 tỉ đồng nhưng bán được gần 110 tỉ đồng vật tư cho bệnh nhân thì phần lợi nhuận sẽ lớn hơn nhiều so với số vốn 13 tỉ đồng bỏ ra để đặt máy. Tuy nhiên, con số chính xác là bao nhiêu thì không xác định được vì không đấu thầu.

BV cho rằng không có máy của hãng thì vẫn phải sử dụng sản phẩm của hãng đó. Đây là dự đoán “tiên tri”. Bởi sản phẩm cung cấp phải qua đấu thầu. Nếu công ty biết sản phẩm của họ không được sử dụng, họ không dại gì đưa máy vào đặt.

Theo PL TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo