Nissan X-Trail - Xứng tầm đẳng cấp crossover được ưa chuộng nhất
Là ‘em út’ vừa mới ‘chân ướt chân ráo’ gia nhập đội hình crossover với tầm giá khoảng 1 tỷ đồng tại Việt Nam nhưng Nissan X-Trail giờ đây đã trở thành gương mặt được người tiêu dùng săn đón nhiều nhất. Diện kiến khách hàng trong nước vào cuối tháng 9/2016, thời điểm mà các đối thủ như Mazda CX-5 hay Honda CR-V vẫn đang ‘làm mưa làm gió’ trong phân khúc, mẫu crossover đến từ Nissan đã có một bước nhảy ngoạn mục trong chưa đầy nửa năm.
Giờ đây, Nissan X-Trail chính là ‘ông vua’ trong phân khúc, vượt mặt cả mẫu xe từng giữ ngôi vương doanh số trong một thời gian rất dài là Mazda CX-5. Không chỉ ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất tổng kết doanh số bán xe năm 2016 bởi công ty tư vấn ô tô quốc tế Jato Dynamics, X-Trail đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng những mẫu xe được yêu thích nhất thế giới.
Đồng thời, X-Trail là một trong hai mẫu crossover có tốc độ tăng trưởng doanh số nhanh hơn so với sự tăng trưởng của phân khúc và thậm chí là nhanh hơn cả doanh số trung bình của các hãng ô tô trên toàn cầu.
Điều gì khiến cho mẫu crossover này thành công đến vậy?
Thiết kế và trang bị
Không trải chuốt như Mazda CX-5, cũng chẳng điệu đà giống Honda CR-V hay già dặn theo kiểu Mitsubishi Outlander, Nissan X-Trail khoác lên mình kiểu dáng đơn giản và thanh lịch. Nhờ thiết kế trung lập đó, mẫu crossover này phù hợp với mọi lứa tuổi và giới tính.
Tuy nhiên, tối giản không có nghĩa là không có điểm nhấn. Phần đầu xe nổi bật với thanh chrome dạng chữ V lớn ở lưới tản nhiệt, thể hiện cho ngôn ngữ V-Motion đặc trưng của hãng xe Nissan. Thiết kế này tiếp tục được ‘khắc’ lên cụm đèn chiếu sáng chính bằng dải LED định vị hướng vào phía trong, tạo nên sự liền mạch như một dòng chảy. Ngược lại, đèn hậu với bóng halogen to bản và có phần hơi cục mịch.
Xe X-Trail thể hiện rõ sự khoẻ khoắn khi nhìn từ phía ngang hông. Không nhiều đường gờ nổi khối rõ rệt nhưng chiếc xe này vẫn đem đến một cái nhìn mạnh mẽ và cảm giác cao ráo hơn so với các đối thủ cùng phân khúc, bởi kính bên được vát góc sắc cạnh, đầu xe gồ lên và đèn hậu ôm sát kính. Trên thực tế, khoảng sáng gầm xe 210 mm của X-Trail còn thấp hơn Mazda CX-5 tới 5 mm.
Cũng như những gì mà xe X-Trail thể hiện ở phía ngoài, nội thất xe cũng đơn giản như vậy. Đã từng cầm lái mẫu bán tải Navara nên cảm giác quen thuộc lại ùa về khi bước vào trong khoang cabin của chiếc xe này. Tất nhiên, với một mẫu crossover với mức giá lên tới cả tỷ đồng thì Nissan đã trau chuốt hơn vào trong tiểu tiết, với ghế da êm ái và ôm người, màn hình 6,5 inch có tích hợp hệ điều hành Android và các chi tiết sơn giả carbon sang trọng.
Hàng ghế thứ hai có độ rộng rãi phù hợp cho cả ba người lớn ngồi mặc dù khoảng để chân chỉ vừa khít với một người có chiều cao 1m75-1m80. Do đó, việc đặt mình vào hàng ghế cuối cùng là điều bất khả thi, thậm chí đối với trẻ em. Nếu như hàng ghế giữa dành cho hành khách có chiều cao dưới 1m70 thì mới có cơ hội để trẻ nhỏ ngồi ở phía sau. So với CX-5 hay CR-V, hai ghế cuối là lợi thế hơn hẳn; tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân cùng Outlander thì dường như con số 5+2 chỗ của xe X-Trail chỉ như một ‘trò đùa’.
Ở phiên bản tầm trung này, xe X-Trail cũng được trang bị cửa sổ trời toàn cảnh như bản SV cao cấp, đem đến không gian thoáng đãng đơn cho cả hàng ghế sau.
Khả năng vận hành
Thiết kế đơn giản nhưng liệu cầm lái có tẻ nhạt? Câu trả lời là không hề.
Cảm nhận đầu tiên khi chiếc xe bắt đầu lăn bánh là chân ga nhạy bén. Độ trễ ga tương đối thấp khiến cho chiếc X-Trail dễ dàng kiểm soát tốc độ trong phố. Con số 144 mã lực của động cơ 2 lít trên phiên bản SL cùng hộp số vô cấp dường như không phải là rào cản lớn nếu vận hành dưới tốc độ 50 km/h. Chiếc crossover gần 1,6 tấn sẵn sàng vọt bất cứ lúc nào mà người cầm lái mong muốn với độ hẫng ga chẳng đến giây thứ 2.
Vòng tua ổn định ở mức khoảng 1200 vòng/phút khi đều chân ga và sẵn sàng vọt lên gần 5000 vòng/phút trong trường hợp đạp sâu pedal xuống. Hệ thống điện tử của xe sẽ tự nhận diện lực của pedal để điều chỉnh vòng tua máy sao cho phù hợp nhất.
Độ ì của động cơ 2 lít bắt đầu thể hiện rõ ở việc vượt xe khác với tốc độ cao, từ trên 60-80 km/h. Tiếng máy gầm lên dữ dội và phải mất tới khoảng 3 giây mới cảm nhận được khả năng bứt tốc. Đây chính là lúc chế độ giả lập 7 cấp phát huy tác dụng triệt để. Để vượt một xe khác, chỉ cần thao tác gạt cần số chéo xuống phía trái, chiếc xe sẽ hạ xuống một cấp số, vòng tua vọt lên và khi này cảm giác hẫng sẽ được giảm đi khá nhiều.
Chuyển sang chế độ ECO, mức vòng tua không giảm đi đáng kể nhưng độ trễ chân ra có thể cảm nhận được rõ ràng. Vòng tua ổn định hơn kể cả khi đạp nhanh và sâu chân ga.
Độ nặng vô lăng ở mức vừa phải, không quá nhẹ để mất cảm giác mà cũng chẳng nặng nề như xe bán tải Navara. Cảm giác kiểm soát chiếc xe ở những góc cua trên cung đường đèo lên Yên Bái tốt, không dư lái nhiều. Trong lúc này, hệ thống ổn định thân xe điện tử và kiểm soát khung gầm chủ động cũng kết hợp phát huy tác dụng. Hành khách văng người theo quán tính tại góc cua nhưng chiếc xe thì không một chút bối rối. Với tốc độ lên tới 70 km/h, thân xe vẫn hoàn toàn ổn định và bánh rất bám đường. Độ cong của đường và độ cân bằng 4 bánh được thể hiện rõ ràng trên màn hình điện tử phía sau vô lăng.
Hệ thống treo êm ái cùng khả năng cách âm tốt khiến cho việc cầm lái liên tục suốt quãng đường khoảng 250 km không hề mệt mỏi. Tiếng gió lọt vào khoang xe không đáng kể; tuy nhiên, tiếng ồn vọng lên từ bề mặt đường xấu thể hiện khá rõ. Nếu chỉ di chuyển trên cao tốc, có lẽ độ êm của xe sẽ khiến cảm giác lái trở nên hơi buồn chán. Do đó, chúng tôi chọn những cung đường ‘khó nhằn’ hơn.
Công nghệ
Mặc dù không phải là phiên bản cao cấp nhất nhưng chiếc Nissan X-Trail 2.0 SL vẫn có đầy đủ tiện nghi hiện đại như hệ thống chiếu sáng LED tự động, cốp xe mở điện từ xa, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và camera lùi. Ngoài ra, một tính năng nổi bật khác vượt trội hơn hẳn đối thủ cùng phân khúc là hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động. Ở phiên bản 2.5 SV, người dùng sẽ được trải nghiệm thêm camera 360 độ xung quanh xe.
Giá bán
Phiên bản 2.0 SL với hệ dẫn động một cầu mà chúng tôi thử nghiệm có giá bán niêm yết là 1,048 tỷ đồng. Trong khi đó, bản thấp hơn là 998 triệu đồng còn bản cao cấp nhất 2.5 SV trị giá 1,198 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo