Quốc tế

Nợ công châu Âu “làm khó” kinh tế toàn cầu

Trong bối cảnh số phận của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sắp được định đoạt tại cuộc họp các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra vào ngày 18/10 tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hối thúc việc tăng cường hợp tác về tài chính và tài khóa trong Eurozone, nhằm khôi phục niềm tin còn mong manh đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

  Diễn ra giữa lúc tình hình thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, Hội nghị thường niên của IMF Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Nhật Bản (9 - 14/10) được coi là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới cùng nhau bàn thảo, tìm ra biện pháp giải cứu nền kinh tế toàn cầu.

 

Tuy nhiên, những tin tức phát đi từ Hội nghị lần này đều phản ánh triển vọng u ám của hầu hết các nền kinh tế, trong đó khủng hoảng nợ công tại Eurozone tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đối với hệ thống tài chính quốc tế.

 

Trong báo cáo "Ổn định tài chính toàn cầu" công bố hôm 10/10, IMF nhận định, sự tiến triển chậm chạp trong nỗ lực giải quyết nợ công tại Eurozone sẽ khiến hệ thống ngân hàng châu Âu có thể tổn thất 2.800 tỷ Euro tài sản trong 2 năm (tính từ quý III/2011 đến cuối năm 2013).

 

Đặc biệt, nếu châu Âu không thực hiện cam kết về thiết lập một cơ quan giám sát ngân hàng và các nước ngoại vi không triển khai những chương trình điều chỉnh, Eurozone có thể thất thoát tới 4.500 tỷ Euro. Nếu kịch bản này xảy ra, thị trường việc làm và đầu tư toàn khu vực sẽ bị ảnh hưởng, khiến các nước như Hy Lạp, Síp, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mất khoảng 0,4% GDP.

 Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã cảnh báo những vấn đề của Eurozone sẽ lan tới các thị trường mới nổi - nơi đà tăng trưởng đang chậm lại một cách đáng lo ngại. Trong khi đó, dù được hưởng lợi khi các nhà đầu tư tìm tới nhằm tránh những rủi ro ở Eurozone, nhưng Mỹ và Nhật Bản cần phải nỗ lực hơn nữa để giảm gánh nặng tài chính trong trung hạn.

 Trước triển vọng giải quyết dứt điểm tình hình nợ công tại châu Âu vẫn còn u ám, IMF vừa phát đi tín hiệu sẽ cho Eurozone vay thêm tiền sau khi cho bơm hơn 100 tỷ USD cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

 

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên IMF. Mỹ, Canada vẫn trung thành với quan điểm, châu Âu không thể dựa vào các nước khác để giải cứu liên minh tiền tệ của mình.

 

Những diễn biến trên cho thấy, "bão" nợ công sẽ tiếp tục càn quét tại châu Âu, "làm khó" nền kinh tế toàn cầu và có thể gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nếu các nhà hoạch định chính sách không khẩn trương tìm ra phương thức khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

 

 

Theo Kinh tế đô thị

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo