Nợ cũ lãi cao
Điệp khúc... chờ !
Mấy ngày qua, bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty dệt may Nguyên Tâm (TP. Hồ Chí Minh), liên tục làm việc với các ngân hàng xin điều chỉnh giảm lãi suất cho hợp đồng vay trước đây. Tuy nhiên, bà chỉ nhận được câu trả lời: “Khi nào ngân hàng có chính sách mới sẽ thông báo cho doanh nghiệp”. Các hợp đồng vay vốn cũ của Công ty Nguyên Tâm cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, chủ yếu là vay lưu động ngắn hạn từ ba đến sáu tháng.
Theo bà Báu, lãi suất cho các hợp đồng này hiện vẫn ở mức 16%/năm, nên doanh nghiệp sốt ruột mong sớm được ngân hàng hạ lãi suất để “đỡ được đồng nào hay đồng đó”. “Lãi suất đầu vào mới hiện nay là 9%/năm thì lãi suất mà doanh nghiệp có thể vay được ở mức 13 -14%/năm. Dù chưa phải là mức lãi suất thấp để doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn nhưng có giảm là tốt rồi. Doanh nghiệp cũng chỉ vay vốn lưu động chứ vay để đầu tư phát triển thì vẫn chưa dám bởi sức mua trên thị trường hiện nay vẫn rất chậm”, bà Báu nói.
Kế toán trưởng của một công ty điện máy tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, công ty có một số hợp đồng vay, thời hạn điều chỉnh hợp đồng là ba tháng/lần, lãi suất 16%/năm. “Những hợp đồng mới vay cuối tháng 5 vừa qua mà phải chờ đến ba tháng sau mới được giảm lãi suất thì khó cho doanh nghiệp quá”, vị này sốt ruột. Hiện công ty này đang tính đến phương án tập trung nguồn tiền để thanh lý hợp đồng sớm trước hạn, sau đó sẽ vay lại với lãi suất mới.
Không chỉ hai đơn vị trên, PV nhận được nhiều phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về việc chưa được ngân hàng “sẻ chia” bằng cách điều chỉnh lãi suất trên các hợp đồng vay cũ và cũng chưa tiếp cận ngay được với trần lãi vay 13%/năm theo tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước.
Xử lý ngay ngân hàng yếu kém
Về nguyên nhân tại sao ngân hàng chậm giảm lãi suất cho vay trên các hợp đồng cũ, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nói: “Lãi suất đi xuống, ai cũng sốt ruột muốn tiếp cận lãi suất vay giảm. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải căn cứ trên hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng là điều chỉnh lãi suất một tháng, ba tháng hay sáu tháng. Dù rằng lãi suất huy động đã giảm xuống 9%/năm nhưng nguồn vốn huy động hiện nay vẫn còn ở mức cao”.
Một lý do khác khiến lãi suất cho vay chưa thể hạ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là trong hệ thống đang còn kẹt không ít nhà băng yếu kém, đói thanh khoản nên vẫn âm thầm huy động với lãi suất cao, làm liên lụy, lây lan sang các nhà băng khác.
Sự thừa thãi vốn của các ngân hàng nhóm 1, lãi liên ngân hàng thì thấp “lè tè” có khi cho nhau vay qua đêm chỉ 0,5%/năm, nhưng ngân hàng yếu không vay được. Các ngân hàng thừa vẫn cứ thừa, còn ngân hàng thiếu vẫn cứ thiếu, khiến doanh nghiệp không tiếp cận nổi vốn, tín dụng sáu tháng không tăng được Một chuyên gia tài chính, ngân hàng |
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cũng chính là cho các ngân hàng, một chuyên gia uy tín trong ngành cho rằng cách nhập cuộc tốt nhất hiện nay là phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém, tránh để lây lan và làm ảnh hưởng tới hệ thống. Bởi một khi các ngân hàng này đói thanh khoản sẽ lại đi huy động vốn cao và gây rối loạn hệ thống.
“Sự thừa thãi vốn của các ngân hàng nhóm 1, lãi liên ngân hàng thì thấp “lè tè” có khi cho nhau vay qua đêm chỉ 0,5%/năm, nhưng ngân hàng yếu không vay được. Các ngân hàng thừa vẫn cứ thừa, còn NH thiếu vẫn cứ thiếu, khiến doanh nghiệp không tiếp cận nổi vốn, tín dụng sáu tháng không tăng được. Ngân hàng Nhà nước phải nhìn thấy nghịch lý này để có những giải pháp mạnh mẽ hơn”, chuyên gia này nói.
Trước mắt, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước phải khơi thông vốn trên thị trường liên NH để tiền đi từ nơi thừa sang nơi thiếu, cung - cầu gặp nhau. Đưa ra các cơ chế bảo đảm các ngân hàng thương mại, các ngân hàng nhóm dưới vay. Từ đó các ngân hàng mới tiếp cận được lãi suất cho vay thấp, giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay, không lao ra thị trường 1 lách trần, quấy rối hệ thống.
Ngoài ra, về mặt nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước không bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng thương mại, nhưng trong trường hợp cấp bách này, Ngân hàng Nhà nước có thể bơm vốn cho các ngân hàng thương mại nhưng kèm theo cam kết, các ngân hàng này phải hạ lãi suất cho vay trên tổng số tiền được hỗ trợ. “Đó là cách dùng tiền để ép thực hiện chính sách, tạo ra hiệu ứng đồng bộ giảm lãi vay trên hệ thống chứ không thể cứ hô hào, cổ vũ mãi được”, một chuyên gia kiến nghị
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển