Nợ tràn lan do đâu?
Đánh dấu nhiệm kỳ bằng sân bay, bến cảng
Nói về nợ xây dựng cơ bản tại các địa phương, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) ví von: Mỗi địa phương như một gia đình, tiền có hạn nhưng cái gì cũng muốn mua nên phải nợ. Nợ địa phương càng nghiêm trọng hơn khi việc phân cấp đầu tư được thực hiện mạnh mẽ. Chính phủ trao cho địa phương nhiều quyền hơn trong việc quyết định dự án đầu tư công.
“Chúng ta phân cấp đầu tư theo dạng phân quyền-giao hẳn quyền quyết định cho địa phương. Địa phương không cần báo cáo trung ương, nếu sai tự chịu trách nhiệm. Do thiếu giám sát chặt chẽ (từ trung ương) dẫn tới địa phương phê duyệt dự án tràn lan, không hiệu quả, không bố trí được vốn để trả… tạo ra nợ đọng xây dựng cơ bản”, ông Thái nói. Ông dẫn chứng, trong lĩnh vực đầu tư đã phân quyền cho địa phương gần hết, nên Bộ KH&ĐT không nhận được báo cáo về tình hình đầu tư, tiến độ, hiệu quả… dự án.
Theo ông Thái, dù trao quyền, nhưng chế tài xử lý sai phạm trong quyết định đầu tư ở cấp địa phương không đầy đủ, lại chưa nghiêm khắc. Vì vậy, từ trước tới nay chưa có lãnh đạo địa phương nào bị xử lý trách nhiệm cá nhân do quyết định đầu tư không đúng quy định.
Các năm trước, khi địa phương nợ trung ương sẽ cấp bù ngân sách để trả. Được đà, địa phương lại đầu tư nhiều hơn. Thậm chí, ngay khi có chủ trương đầu tư, lập tức có doanh nghiệp nhận dự án và ứng tiền ra làm (đa số vốn vay ngân hàng). Tình trạng này kéo dài tới những năm 2008-2009. Khi kinh tế gặp khủng hoảng khiến nguồn thu ngân sách giảm, lúc này nợ đọng xây dựng cơ bản mới bộc lộ rõ. Kết quả, cả doanh nghiệp và ngân hàng bị cuốn theo khoản nợ của chính quyền địa phương.
Một giáo sư kinh tế (xin giấu tên) cho biết, thời gian qua quy định về phân cấp đầu tư đều có, chi bao nhiêu cho cái gì, như 1% ngân sách cho môi trường, 2% cho đầu tư cải tiến khoa học công nghệ… “Tuy nhiên, khi có ngân sách trung ương cấp về các địa phương lại dùng đầu tư cho việc khác; thậm chí chi xây trụ sở”, vị chuyên gia nói. Theo ông, thời gian qua nợ địa phương có giảm, nhưng chủ yếu là dùng khoản nọ “đập” khoản kia, vì không có nguồn để trả do nguồn thu giảm. Nếu kinh tế không khó khăn sẽ còn đầu tư nhiều nữa. Nợ địa phương liên quan tới các quy định hiện hành và cơ chế xin - cho.
Theo ông Lê Viết Thái, việc có 63 tỉnh thành nhưng không có cấp quản lý trung gian (cấp vùng), khiến các địa phương chạy đua đầu tư. Tỉnh nào cũng muốn có sân bay, bến cảng, khu công nghiệp… để đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, từ đó gây lãng phí lớn. Kết quả, trung ương và địa phương cùng gánh nợ. “Đấy là chưa nói tới tiêu cực, lợi ích nhóm trong quyết định đầu tư”, ông Thái nói.
TS Đặng Đức Anh, Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc phân cấp trong quyết định đầu tư ngân sách cho địa phương đã tăng tính chủ động, tích cực cho cấp tỉnh, tuy nhiên, khi phân cấp chỉ đặt ra tiêu chí cho các khoản chi, chưa có tiêu chí hiệu quả của khoản chi đó. Từ đó dẫn tới đầu tư, nhưng không biết kết quả ra sao, gây thất thoát, lãng phí. “Do phân cấp chi ngân sách chưa rõ ràng, nên nhà nước có phần ôm đồm. Nhiều địa phương đầu tư xây chợ, nhưng làm xong phải bỏ hoang vì không ai vào mua bán. Liệu nhà nước có cần xây chợ hay không?”, TS Đức Anh nói.
Khắp nơi nợ nần
Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đầu tháng 11 vừa qua, nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương hiện đang “áp đảo” nợ các bộ, ngành (dù từ năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dành 30% ngân sách hàng năm để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản). Cụ thể, tính tới tháng 6/2014, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản cả nước là 44.590 tỷ đồng (cuối năm 2013 con số này lên tới 57.900 tỷ đồng tại 23.375 dự án). Trong đó, có 21 tỉnh thành còn nợ đọng xây dựng cơ bản, với tổng số tiền 35.453 tỷ đồng (còn lại là nợ của các bộ ngành), như Hà Nam (nợ 3.497 tỷ đồng), Hà Giang (nợ 3.804 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (nợ 2.977 tỷ đồng), Thái Bình (nợ 2.780 tỷ đồng), Đà Nẵng (nợ 2.583 tỷ đồng), Phú Thọ (nợ 1.826 tỷ đồng)...
Để giải quyết tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả của cấp địa phương, ông Lê Viết Thái cho rằng, một số lĩnh vực phân cấp quá đà, không tương ứng với năng lực cấp dưới, Chính phủ nên thu hồi lại. “Nợ đọng xây dựng cơ bản của địa phương thời gian qua là bài học để tới đây khi phân cấp, những lĩnh vực nào chưa chắc chắn chỉ nên áp dụng cơ chế ủy quyền”, ông Thái nói. Theo đó, Chính phủ có thể ủy quyền cho địa phương, nếu địa phương không làm được có thể thu hồi lại. Cùng với đó, bổ sung chế tài và xử lý nghiêm minh các quyết định đầu tư sai quy định.
TS Trần Du Lịch hy vọng, với Luật Đầu tư công mới được ban hành tình trạng đầu tư dàn trải, nợ địa phương sẽ được xử lý. Đặc biệt, luật mới đã quy định rõ sẽ đầu tư theo kế hoạch trung hạn, không còn hằng năm như vừa qua. “Ai làm sai đều có địa chỉ để xử lý trách nhiệm”, ông Lịch nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo