Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi
Trước lo ngại của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân về nợ xấu của các tổ chức tín dụng có dấu hiệu gia tăng, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói: “Việc xử lý nợ xấu cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính”. Xử lý nợ xấu bằng mô hình Công ty quản lý tài sản (VAMC), theo ông Doanh thực chất đã không khai thông được vấn đề này. “Không có tiền tươi thóc thật, chưa có quy chế bán lại nợ xấu, "cục máu đông" nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế”, ông Doanh nói.
Nợ xấu tiếp tục phát sinh
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, nói rằng mặc dù đến nay toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 184.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh, do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp (DN) tác động lây lan và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những DN vướng nợ chưa có khả năng phục hồi. Ông cho rằng, hoạt động của VAMC còn một số hạn chế cần khắc phục như cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mãi tài sản, cơ chế để “chứng khoán hóa” nợ... Theo ông Lịch, xử lý nợ xấu hiện khó khăn do kinh tế trì trệ. Trong khi đó, khuôn khổ, trình tự pháp lý xử lý tài sản, tố tụng... phức tạp, thiếu cơ sở cho xử lý nợ xấu.
Cũng theo ông Trần Du Lịch, việc xử lý nợ xấu nếu càng kéo dài thì càng tăng lên và sẽ là trở lực chính đối với quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế; đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại. Để “cục máu đông” này không phình to, chuyên gia này cho rằng cần tăng vốn điều lệ cho VAMC. “Một tổ chức mua bán nợ không thể chỉ dựa vào cơ chế, mà trước hết phải có năng lực tài chính khả dĩ để mua nợ. Cần phải có một dòng vốn nằm ngoài hệ thống ngân hàng tạm thời bơm vào hệ thống để xử lý nợ”, ông Lịch nói.
“Quẩn quanh với cây ấy, con ấy...”
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, tái cơ cấu nền kinh tế tuy có bước tiến nhưng rất chậm. “Nhìn toàn cục, nền công nghiệp của ta vẫn ở đẳng cấp rất thấp, nặng về khai thác tài nguyên. Còn nông nghiệp, tuy có chuyển dịch nhưng theo kiểu đèn cù, vẫn là một nền nông nghiệp lạc hậu, quẩn quanh với những cây ấy, con ấy... mà không bứt phá được”. Theo ông Thiên, cơ chế, chính sách tỷ giá hiện nay vẫn chỉ khuyến khích các hoạt động lắp ráp, nhập khẩu, có tính đầu cơ cao, không khuyến khích sản xuất. Quá trình tái cơ cấu đầu tư công, theo ông Thiên, vẫn chưa đụng đến cốt lõi của cơ chế vận hành, vẫn duy trì tình trạng đầu tư công dàn trải, phân tán, duy trì cơ chế xin - cho, chủ quản...
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: "Những cải cách trước đây, chỉ cần nhà nước mở ra là đủ nhưng bây giờ là giai đoạn nhà nước phải thay đổi cơ cấu tổ chức, năng lực. Cái khó là ở đó. Nếu nhà nước cứ giữ thế này, thị trường méo mó thêm, làm mất cân bằng phân bổ nguồn lực”.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Võ Đại Lược: “Nếu vẫn tái cơ cấu nền kinh tế trên tư duy như cũ thì không thay đổi được, vì tái cơ cấu là làm cái mới nhưng chúng ta lại không có quan điểm mới để xử lý. Kinh tế hiện nay đối diện cạnh tranh rất mạnh nên quan điểm, tư duy ít nhất phải bằng người ta chứ lại nghĩ khác thời đại, khác người ta thì làm sao cạnh tranh được”.
Kinh tế tăng trưởng hình... parabol
Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, từ đầu năm đến nay, tuy kinh tế vĩ mô có một số dấu hiệu ổn định tốt hơn như xuất khẩu tăng trưởng khá tốt, lạm phát giảm... nhưng thực sự thì “nền kinh tế mới thoát đáy từ năm 2013 và đang vật vã để đi lên do tổng cầu vẫn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng không đến được với nền kinh tế; tốc độ phục hồi chậm”. Theo ông Tuyển, nền kinh tế VN đang phục hồi theo hình parabol, đi lên chậm chạp bởi DN trong nước hiện đã rất suy yếu.
Cần thay đổi “luật chơi”
Về hoạt động tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng: “Nhiều vấn đề quan trọng như yêu cầu tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu và bổ nhiệm nhân sự, thực hiện công khai minh bạch vẫn chưa được giải quyết và chưa có tiến bộ rõ rệt nào trong thực tế”. Theo TS Nguyễn Đình Cung, về cơ bản, hiện nay ở ta vẫn chưa thay đổi “luật chơi” với DNNN nên chưa tạo áp lực, ép buộc thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực, thay đổi cách thức sử dụng nguồn lực. “Thực sự, kết quả tái cơ cấu khối DNNN còn rất hạn chế, nếu không làm đúng cách thì dù có nỗ lực hơn, kết quả không được bao nhiêu, có khi làm méo mó thêm, làm cho tình hình trở nên xấu hơn”, ông nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước