Thị trường

Nợ xấu ngân hàng- cách giải quyết


 
Xử lý nợ xấu (những khoản vay khó trả của doanh nghiệp), tránh những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề thời sự kinh tế. Để khắc phục nợ xấu, cần một giải pháp đồng bộ và chỉ đạo quyết liệt nhất quán từ Chính phủ, hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG LO NGẠI!

Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 ngày 21-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước một thời gian dài còn hạn chế trong việc ngăn chặn việc đầu tư quá mức của các ngân hàng thương mại vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Từ năm 2008 đến nay, nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nhanh. Theo báo cáo, đến ngày 31-5-2012, nợ xấu của hệ thống là gần 120.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng, trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 54.600 tỷ đồng (chiếm 3,96% dư nợ của nhóm này), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 41.000 tỷ đồng (chiếm 4,54% dư nợ của nhóm này).

Nợ xấu là khó tránh khỏi trong hoạt động ngân hàng và không quá bất bình thường. Nhưng nếu nợ xấu ở con số lớn thì hệ lụy của nó là không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với tác động khách quan của suy giảm kinh tế toàn cầu; quá trình phát triển nóng của nền kinh tế, sự yếu kém trong quản trị, chiến lược phát triển kinh doanh không sát thực tiễn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến khả năng thanh toán thấp và khiến nợ xấu tăng.

Trong báo cáo mới đây về định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) nhận định: Các chi phí liên quan tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giải quyết khối nợ xấu của Việt Nam sẽ là lớn. Moodys’ cũng giữ nguyên định hạng tín nhiệm ‘B1’ đối với trái phiếu bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam; cùng với đó, triển vọng của định hạng tín nhiệm này duy trì ở mức “tiêu cực”.

XỬ LÝ NỢ XẤU THẾ NÀO?

Việc hạ lãi suất của ngân hàng đối với các khoản nợ cũ của doanh nghiệp xuống mức 15%/năm đã bước đầu giảm được số nợ xấu. Tuy nhiên ,chủ trương giảm lãi suất này vẫn chưa được nhiều ngân hàng thực hiện nghiêm túc.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Ngoài việc giảm lãi suất, giãn hoãn, khoanh nợ cho các gói nợ cũ của doanh nghiệp thì ngân hàng nên mạnh dạn “mở van” cho vay tín chấp, vay theo dự án... để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tái sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần chú trọng đầu ra cho sản xuất, giải phóng hàng tồn kho bằng nhiều biện pháp kích cầu. Tăng sức mua trong cộng đồng là tăng mức tiêu thụ hàng hóa và tăng thu nhập cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt nhiều biện pháp để khởi động thị trường bất động sản, cho vay tiêu dùng, thực hiện bình ổn giá...”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp thoát khỏi bờ vực phá sản là cần thiết để vực dậy nền kinh tế, song không phải áp dụng với các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phân hạng doanh nghiệp trước khi “cứu”. Những doanh nghiệp “đầu tàu” có thể vực nền kinh tế thì “bồi bổ”. Còn doanh nghiệp có khả năng vực dậy thì cần hỗ trợ song cũng nên cân nhắc cẩn thận. Những doanh nghiệp quá yếu kém thì dứt khoát buộc phải sáp nhập hoặc giải thể. Tín dụng không phải kênh chủ đạo duy nhất để giải cứu doanh nghiệp. Vì nếu dùng tín dụng thiếu thận trọng thì “đòn bẩy nợ” sẽ tăng và doanh nghiệp lại bị nợ chồng chất nợ.

Tại Hội thảo chuyên đề Quản lý nợ xấu tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng, nhiều diễn giả đã đưa ra những tình huống cụ thể để giải quyết nợ xấu, trong đó có việc ngân hàng hoặc chủ nợ cần liên kết, thoả thuận với nhau để giải quyết vấn đề nợ của khách hàng. Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất một số giải pháp như chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi nhằm hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển; chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần, chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn nắm đa số cổ phần nếu sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng phát triển. Điều này không những cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các ngân hàng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, như: cơ cấu lại nợ một cách cách hợp lý để giảm khó khăn tài chính tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định, thực hiện tốt việc mua bán nợ.

Về giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Nhờ triển khai đồng bộ việc giảm lãi suất điều hành, chỉ đạo chuyển dịch, cơ cấu nợ... sau năm tháng tăng trưởng âm, tính đến 30-7-2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 1,02% so với 31-12-2011. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh với mức giảm từ 3-6%/năm so với cuối năm 2011.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng để xây dựng phương án tổng thể xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng để trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất.

* Nợ xấu là khó tránh khỏi trong hoạt động ngân hàng và không quá bất bình thường. Nhưng nếu nợ xấu ở con số lớn thì hệ lụy của nó là không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Cùng với tác động khách quan của suy giảm kinh tế toàn cầu; quá trình phát triển nóng của nền kinh tế, sự yếu kém trong quản trị, chiến lược phát triển kinh doanh không sát thực tiễn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến khả năng thanh toán thấp và khiến nợ xấu tăng.

 

Theo Nhân Dân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo