Nợ xấu tăng mạnh, rủi ro gia tăng
Trong số các ngân hàng niêm yết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) là ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quí 1của ngân hàng này lên đến 1.854 tỉ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của BIDV tăng mạnh chủ yếu là nhờ cắt giảm chi phí trả lãi cho người gửi tiền và các chi phí tương tự xuống khoảng 640 tỉ đồng, trong khi đó thu nhập từ lãi và các hoạt động tương tự lại tăng nhẹ.
Ngân hàng Eximbank bị lỗ nặng trong quí 4-2014 nhưng quí 1-2015 đã có một kết quả khả quan. Lợi nhuận sau thuế của Eximbank trong quí 1-2015 lên đến 415 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận Eximbank tăng chủ yếu do cắt giảm được chi phí trả lãi cho người gửi tiền gần 20%. Đặc biệt trong quí 1 này, Eximbank không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Theo giải thích từ Eximbank, số dự phòng rủi ro trong báo cáo quí 1 phản ánh số dư dự phòng rủi ro cuối quí 4-2014.
Thống kê cho thấy lợi nhuận của một loạt ngân hàng như VietinBank, ACB, Sacombank, MBB cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, cũng chủ yếu là do cắt giảm được chi phí trả lãi cho người gửi tiền.
Trong những tháng đầu năm 2015, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động đối với kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng chỉ còn quanh mức 4-5%, lãi suất dài hạn trên 12 tháng chỉ còn 7-8%. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ giảm được chi phí phải trả lãi.
Tính trung bình, tổng doanh thu của bảy ngân hàng niêm yết quí 1-2015 tăng 2,04%, trong khi đó chi phí lãi vay giảm 8,43%. Kết quả, dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 50% nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng gần 10%.
Theo số liệu cập nhập của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 1-2015 là 3,49%, cao hơn khá nhiều so với cuối năm trước là 3,25%. Còn theo báo cáo mới nhất của NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến ngày 31-3-2015, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn này là 5,53%, tương đương 60.883 tỉ đồng, cao hơn so với mức 5,31% tại thời điểm cuối năm 2014.
Những số liệu trên cho thấy xu hướng nợ xấu tăng khá mạnh trở lại sau khi đột ngột giảm vào cuối năm 2014. Thực tế trên báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng khá mạnh trở lại trong quí 1- 2015. Cụ thể, thống kê nợ xấu của bảy ngân hàng niêm yết (ngoại trừ SHB) tại thời điểm 31-3-2015 là 36.436 tỉ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng này là 2,17%, cao hơn khá nhiều so với mức 1,86% hồi đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao là một điều đã được dự báo trước. Tuy nhiên, trên thực tế, các con số thống kê như thế này cũng khó phản ánh chính xác nợ xấu thực sự của các ngân hàng.
Trong thời gian tới, nợ xấu của các ngân hàng sẽ còn tăng khi Quyết định 780/QĐ-NHNN về cơ cấu lại nợ nhưng không phải chuyển nhóm đã hết hiệu lực từ tháng 4-2015. Quy định này đã giúp cho khoản dư nợ hơn 157.000 tỉ đồng không bị rơi vào nợ xấu. Điều này cho thấy dù kết quả kinh doanh quí 1- 2015 có khả quan nhưng áp lực về nợ xấu đối với các ngân hàng vẫn còn rất nặng nề.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 17/11/2024: Chuyên gia nhận định ra sao về xu hướng sắp tới?
Giá ngoại tệ ngày 17/11/2024: USD duy trì ổn định ở mức 106,67 điểm
Giá heo hơi ngày 17/11/2024: Biến động khó lường suốt tuần qua
Giá nông sản ngày 17/11/2024: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục tăng
Cần khơi thông nguồn cung, hạ nhiệt giá nhà đất
PGBank khai trương trụ sở mới tại Đồng Nai