Nỗi buồn cao su
Với diện tích cây cao su chiếm đến 64% tổng diện tích cao su của cả nước, Đông Nam Bộ được xem là mỏ “vàng trắng”, là thủ phủ của cây cao su. Dù vậy, do chỉ xuất thô nên sau bao nhiêu năm tham gia thị trường, DN và nông dân nơi đây vẫn không thể chủ động được giá bán.
Giảm... toàn diện
Trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường cao su diễn biến theo đà giảm mạnh ở mọi phương diện, từ giá thu mua, xuất khẩu đến sự sụt giảm nhanh về sản lượng xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận và cả diện tích cao su. Theo bà Nguyễn Thị Gái, TGĐ TCty cao su Đồng Nai, cho biết: “Năm 2013, giá XK cao su là 64 triệu đồng/tấn, nhưng 8 tháng của năm 2014, giá XK bình quân chỉ còn 43 triệu đồng/tấn. Giá cao su xuất khẩu trong thời gian tới có khả năng tiếp tục giảm”. Cũng theo bà Gái, mức giảm giá xuất khẩu quá lớn khiến TCty cao su Đồng Nai gặp không ít khó khăn bởi lượng xuất khẩu hiện chiếm khoảng 60% sản lượng cao su của TCty.
Tương tự, nhiều Cty cao su khác cũng giảm lãi khá mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Cty cổ phần cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR), 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế 74,8 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ 2013. Nguyên nhân khiến lợi nhuận thấp là giá cao su giảm gần 30% so với cùng kỳ. Mức bán bình quân quý II chỉ 39,3 triệu đồng một tấn, thấp hơn so với kế hoạch đề ra và giảm mạnh so với 2013 là 55,7 triệu đồng một tấn.
Thê thảm hơn, Cty cổ phần cao su Thống Nhất (TNC) chỉ đạt doanh thu 30,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 73,8 tỷ đồng. Nguồn thu từ mủ cao su nửa năm chỉ đạt 22,9 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng Cty chỉ đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 55,3% so với năm ngoái.
Suy yếu vì xuất thô
Sự bị động về giá hay việc giảm sút hiệu quả hoạt động của ngành cao su nói chung thực ra đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng nguyên nhân chính là tình trạng xuất thô vẫn còn kéo dài cho đến nay.Theo các chuyên gia, do phải qua nước thứ 2 để chế biến, sau đó mới xuất khẩu tiếp nên lợi nhuận phần lớn nằm trong khâu chế biến sâu, nông dân và DN trong nước không được hưởng.
Ở Đông Nam bộ, sản lượng cao su đạt từ 2 tấn đến 2,5 tấn/héc ta, cao gấp rưỡi so với khu vực Tây Nguyên và cao gấp đôi so với khu vực Tây Bắc. Đây cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến có quy mô lớn, có máy móc hiện đại nhất cả nước. Tuy nhiên, những nhà máy chế biến ở Đông Nam bộ cũng chỉ giải quyết được 10% sản lượng mủ cao su trong khu vực. Các Cty chế biến chủ yếu là sơ chế mủ trước khi xuất khẩu.
Một thực tế khác là lĩnh vực chế biến mủ cao su thành sản phẩm tiêu dùng tại Đông Nam bộ mới chỉ có lác đác vài DN như nệm Vạn Thành, nệm - gối Đồng Phú, săm lốp Casumina, găng tay Khải Hoàn. Thực tế này cho thấy, vì thiếu, vì yếu kém trong khâu chế biến nên sản phẩm cao su của các DN xuất khẩu ra nước ngoài luôn có giá trị thấp hơn so với những nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Còn đại diện Cty Cao su Phú Riềng khẳng định: “Với giá bán cao su như hiện nay thì chỉ hòa vốn, vun vén khéo may ra lấy công làm lời chút đỉnh. Vì thế, chúng ta buộc phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu mới hạn chế được khó khăn. Tôi được biết, nhiều nước đã tạo giá trị gia tăng cho cao su chế biến sâu từ 8 – 10 lần, đặc biệt cao su kỹ thuật thì giá trị tăng có thể lên tới 18 – 20 lần”.
Chuyện đầu tư cho chế biến sâu không phải là chuyện mới nhưng là chuyện không dễ. Hiện tại, nhiều địa phương ở Đông Nam bộ đang tăng cường thu hút những DN đầu tư máy móc hiện đại trong khâu chế biến mủ cao su như một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, để có thể hình thành được ngành công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là cần giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, DN và người nông dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng