Pháp luật

Nỗi buồn mang tên thành đạt

Tôi có anh bạn thời sinh viên học rất giỏi, nhưng ra trường do đi theo con đường nghiên cứu học thuật nên đến giờ vẫn nghèo túng. Nhiều lần anh tâm sự, anh rất ngại về quê vì thường phải nghe những câu trách cứ của người thân, đại loại như: “Bạn bè đứa nào cũng thành đạt còn anh thì …”.

 

Tôi thấy nhiều nơi, vào dịp Tết, những ai ở xa trở về với xe hơi sang trọng và túi tiền rủng rỉnh thường được gọi là thành đạt. Người nào tiền nhiều, có địa vị trong xã hội thì lại càng được trầm trồ, ngưỡng mộ. Và không biết từ khi nào, khái niệm “giàu có” = “thành đạt” cũng trở thành suy nghĩ và mục đích sống của không ít người.



Trên lý thuyết, “giàu có” ( nhiều của cải vật chất) và “thành đạt” (đạt được nhiều kết quả tốt đẹp) là quan hệ tương hổ, tỉ lệ thuận với nhau. Vì thế, những người giàu được xem là thành đạt cũng là lẽ thường tình.



Thế nhưng, trên thực tế, sự giàu có và thành đạt đôi khi lại đối nghịch, mâu thuẫn. Trước khi rơi vào vòng lao lý, trong mắt nhiều người, ông Dương Chí Dũng ( nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam) hẳn là người thành đạt, rất thành đạt. Ông có nhiều tiền, có địa vị… Nhưng nếu hỏi, trong quá trình công tác, ông Dũng đã làm được những gì, câu trả lời lại thật đáng thất vọng.



Khác với những người như Dương Chí Dũng, chỉ trong quan hệ cá nhân, tôi cũng đã thấy không ít người có đóng góp nhất định cho xã hội nhưng cuộc sống lại khó khăn. Chẳng lẽ họ không phải là người thành đạt?



Tôi hỏi một người quen là TS-BS ở bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về sự thành đạt, anh cười buồn: “Hơn 40 tuổi rồi mà còn ở nhà thuê sao gọi là thành đạt. Bây giờ, thường những người làm ăn kinh doanh có nhiều tiền hay người có địa vị, có danh tiếng mới được xem là thành đạt, em à!”.



Trong khi đó, anh là người học giỏi có tiếng từ thời phổ thông, thi đậu mấy trường đại học, lấy bằng tiến sĩ về tim mạch ở Đức khi còn rất trẻ, tham gia mổ tim miễn phí cho không biết bao nhiêu bệnh nhân nghèo …
 


Tôi lại hỏi một người quen làm thanh tra ngành thuế, rằng những người giàu có – thành đạt, chắc phải đóng tiền thuế rất nhiều, nhưng anh nói điều này cũng chỉ đúng trên lý thuyết.



“Nhiều lãnh đạo cao cấp nước ta cũng nhìn nhận, hiện nay nạn tham ô, tham nhũng vẫn còn nhiều. Điều đó có nghĩa những người giàu có bất minh, bất chính cũng không ít. Đây là những tài sản không được kiểm soát nên về nghĩa vụ nộp thuế, những người giàu kiểu này cũng chẳng có đóng góp gì. Đó là chưa nói đến những thiệt hại mà họ gây ra cho xã hội”, anh phân tích và cũng bày tỏ lo ngại khi thấy những người giàu có bất chính núp dưới vỏ bọc thành đạt vẫn còn nhiều.



 Vậy “giàu có” và “thành đạt” nên được nhìn nhận như thế nào?



Tôi thử làm một trắc nghiệm nhỏ với một số người bạn thân nhưng đã thấy nhiều ý kiến trái chiều. Về sự giàu có, có người quả quyết là phải có nhiều tiền nhưng cũng có người (làm cho công ty nước ngoài) lại nói phải có nhiều kiến thức, phải được đi nhiều nơi, phải biết được nhiều thứ…
 


Về sự thành đạt, có người quan niệm là cũng phải có tiền, có địa vị, có tiếng tăm trong xã hội, nhưng cũng có người suy nghĩ đơn giản như chỉ cần làm nhiều việc có ích là được…



Tôi không có ý chê trách những người có suy nghĩ đánh đồng sự giàu có với thành đạt. Bởi lẽ, không dễ gì có đủ thông tin để nhận biết ai làm ăn chân chính, ai giàu có bất minh, ai có đóng góp cho xã hội, ai chỉ lo vơ vét cho riêng mình…



Nhân dịp cuối năm, ai cũng phải “tổng kết” thành quả lao động của mình, tôi chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân về sự sự giàu có và thành đạt.



Tôi nghĩ: “Thành đạt là sự giàu có ở trong đầu chứ không phải trong két sắt”. Còn bạn thì sao?

Theo PL TPHCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo