Chân dung

Nỗi đau bị ăn cắp cần câu cơm của các ông chủ Việt Nam

Xây dựng thành công thương hiệu có thể mất cả chục, thậm chí cả trăm năm nhưng dường đánh mất chỉ trong tích tắc, nhất là khi các ông chủ người Việt chủ quan để bị doanh nghiệp nước ngoài “nẫng tay trên”.

Sự mất tích của thương hiệu Việt

 

Gần đây các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng chứng kiến các vụ “vay mượn” thương hiệu trắng trợn của tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

 

Mới đây nhất là vụ việc liên quan đến thương hiệu Legendee Coffee của Trung Nguyên. Tra cứu trên trang chủ của Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) cho thấy, bản quyền (Trademark) thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng ký tại Mỹ, chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen.

 

 

Một nguồn tin cho hay, ông Alexander Nguyen là người gốc Việt, quốc tịch Mỹ và không có mối liên quan nào với công ty Trung Nguyên.

 

Trên hệ thống của USPTO cũng đã thể hiện kết quả rằng, bản quyền Trung Nguyen Coffee, G7 coffee và thương hiệu Trung Nguyen thuộc sở hữu của Trung Nguyên Việt Nam, nhưng Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee.

 

Như vậy, nếu Trung Nguyên muốn phát triển thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ, sẽ phải đàm phán với chủ sở hữu thương hiệu Legendee Coffee tại quốc gia này.

 

Nguyễn Trọng Khoa, người sở hữu tên miền thương hiệu café Trung Nguyên legendeecoffee.com cho hay, Alexander Nguyen đã đề nghị mua lại tên miền, đồng thời cũng thống nhất về giá cả chuyển nhượng, các điều khoản cá nhân khác.

 

Trên trang chủ legendeecoffee.com ghi rõ: “Bản quyền thương hiệu cà phê Legendee (Legendee Coffee) và tất cả các thiết kế, văn bản, đồ họa, hình ảnh xuất hiện trên website www.legendeecoffee.com là tài sản thuộc sở hữu của ông Alexander Nguyen đã được đăng ký và bảo vệ bởi luật bản quyền Mỹ”.

 

Chi phí đăng ký bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ được tiết lộ là 165 USD, tương đương với hơn ba triệu đồng.

 

Không chỉ Trung Nguyên, nhiều công ty lớn đã gặp phải "quả đắng" với vấn đề đăng ký bản quyền tại các thị trường khác nhau. Đó là câu chuyện của nước mắm Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2006, thương hiệu “nước mắm Nha Trang” kèm theo logo được cấp cho Hiệp hội Nước mắm Nha Trang. Đứng tên chủ sở hữu thương hiệu này là ông chủ tịch hiệp hội.

 

Có thương hiệu rồi, những tưởng “nước mắm Nha Trang” sẽ vươn xa. Thế nhưng, cái tên này bị lãng quên dần bởi không được tuyên truyền, quảng bá. Các cơ sở khác trong Hiệp hội Nước mắm Nha Trang thì dùng tên riêng, logo riêng. Nước mắm Nha Trang rơi vào cảnh cha chung không ai khóc.

 

Thừa cơ, một liên doanh chế biến thực phẩm lớn đã đặt vấn đề với các cơ sở nước mắm ở Nha Trang để thu mua nước mắm nguyên liệu. Ban đầu, liên doanh này đưa ra các chính sách giá, bao tiêu, hậu mãi… rất tốt.

 

Các cơ sở nước mắm ở Nha Trang thấy béo bở, tranh nhau ký hợp đồng làm đối tác của liên doanh này. Khi “cá đã cắn câu”, liên doanh bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn riêng để ép giá nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

 

Nhìn người ta thu lợi trên mồ hôi công sức của mình, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang chỉ biết cắn răng mà chịu. Thương hiệu “nước mắm Nha Trang” vì thế hiện đang sống mà như chết.

 

Ngoài ra, danh sách những thương hiệu Việt bị mất tích còn được nối dài với câu chuyện của mì chay Lá bồ đề.

 

Mới đây, Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây lại phát hiện thương hiệu mì chay Lá bồ đề đang bán rất chạy ở Mỹ, đã bị một doanh nghiệp ở nước sở tại đăng ký bản quyền và tung ra sản phẩm mì gói mang thương hiệu, hình ảnh tương tự.

 

Được thành lập từ năm 1963, gần 50 năm gắn bó với lĩnh vực sản xuất các thực phẩm chay ăn liền, bún gạo khô, mì gói..., thương hiệu “Lá bồ đề” của Bình Tây không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng trong nước mà còn được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là sản phẩm mì chay “Là bồ đề”. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Hong Kong, Pháp, Đức và một số nước Đông Âu...

 

Tuy nhiên, cay đắng nhất trong số đó có lẽ là cà phê Buôn Ma Thuột, dù được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2005 nhưng các doanh nghiệp cà phê ở Đắk Lắk và chính quyền tỉnh này chẳng biết làm gì với chỉ dẫn địa lý đó, đến khi bị Guangzhou Coffee Buon Ma Thuot Co., Ltd của Trung Quốc ăn cắp thương hiệu để đăng ký bảo hộ và khai thác kinh doanh thì mới ngớ ra. Vốn “cha chung không ai khóc” trước nay, bây giờ có khóc cũng đã quá muộn.

 

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị ăn cắp trắng trợn. Ảnh: TTX.

 

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

 

Nếu tài sản hữu hình được xem là phần "xác" thì nhãn hiệu được ví như "linh hồn" của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp mà phần hồn bị đánh mất thì khác nào một thực thể vô tri, không có sức cạnh tranh, sức hấp dẫn, có nguy cơ bị thâu tóm và lệ thuộc.

 

Vậy mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn mải lo chạy theo các chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận mà có phần lơ là yếu tố quan trọng nhất, đó là tên tuổi, là thương hiệu của mình. Họ chưa ý thức hết được giá trị to lớn của thương hiệu đã tác động tới thành công của doanh nghiệp như thế nào.

 

Chỉ mỗi khi có sự tranh chấp xảy ra, thương hiệu có nguy cơ hoặc đã bị đánh cắp, các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý mới nháo nhào, tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, không phải “thương vụ đi đòi” nào cũng thành công, các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý Việt Nam đã nhiều lần phải nếm “trái đắng”.

 

Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, tính đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Song, đến nay, mới chỉ có 59  nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm được đăng ký bảo hộ trên chỉ có hiệu lực trong nước, nếu các doanh nghiệp nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu “mượn tạm” thì vẫn bị mất như thường.

 

Ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định: “Phải thẳng thắn thừa nhận, đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này. Xây dựng và phát triển thương hiệu chưa được quan tâm”.

 

Theo các chuyên gia, nếu muốn phát triển và tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Hãy ý thức ngay đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài tiềm năng mà trong tương lai mình có khả năng đặt chân đến. Nếu để khi "mất bò mới lo làm chuồng" thì đã là quá muộn.

 

Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ từng cho biết: “Đăng ký thương hiệu là một trong những điều kiện rất quan trọng để người nông dân bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Đối với các mặt hàng nông sản, muốn tiêu thụ tốt, không có cách nào khác là bản thân những chủ sở hữu, nhà sản xuất, những người nông dân phải bảo vệ thương hiệu của mình. Cho nên, chúng ta cũng phải tiên lượng, địa bàn nào chúng ta có nhiều sản phẩm đến, khả năng xuất khẩu tốt, phải sớm đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu doanh nghiệp”.

 

Trong khi đó, Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tiến sĩ Đỗ Gia Phan cho rằng, với hàng nông sản, nông dân thường sản xuất riêng lẻ nên việc tự đăng ký, bảo hộ là rất khó nên cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Đây là điều mà các nước có thương hiệu nông sản mạnh thường làm. Tức là, các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chính sách hỗ trợ để bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt Nam.

 

Chính phủ cần xúc tiến thương mại mạnh mẽ vào thị trường lớn và khó tính như Mỹ,  châu Âu… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản Việt có cơ hội thâm nhập. Một khi đã chiếm lĩnh thị trường khó tính, các thị trường còn lại sẽ không còn khó khăn nữa. Tuy nhiên, đây là điều hết sức khó khăn cho doanh nghiệp nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ.

 

Dẫu vậy, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một bài học quá lớn từ việc thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bị đánh cắp cần rút ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu doanh nghiệp không nhìn nhận được thực trạng này thì rất có thể danh sách những vụ việc tương tự sẽ không dừng lại ở đó.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo