Quốc tế

Nói “không” với khắc khổ, Hy Lạp bước vào một tương lai bất định

(DNVN)-Hy Lạp đã loạng choạng bước vào một tương lai bất định trong khối đồng tiền chung châu Âu sau khi phần lớn các cử tri nước này hôm 05/7 bỏ phiếu nói “không” với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do các chủ nợ quốc tế đặt ra để đổi lấy gói cứu trợ.

Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, khoảng 61% cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu phản đối, trong khi đó chỉ có 39% người biểu quyết ủng hộ chính sách khắc khổ. Cuộc trưng cầu dân ý – được tổ chức lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ tại Hy Lạp – diễn ra trong bối cảnh có những hạn chế nghiêm ngặt về các giao dịch tài chính.

Người dân Hy Lạp nhảy múa, ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý
Người dân Hy Lạp nhảy múa, ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý

Đảng Syriza cầm quyền tại Hy Lạp đã vận động người dân nước này bỏ phiếu “Không” khi nói rằng điều khoản các nước chủ nợ đề nghị là “nhục nhã”, trong khi các đối thủ chính trị cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến việc Hy Lạp bị đẩy ra khỏi khu vực Eurozone.

Kết quả trên đánh dấu một chiến thắng quyết định của Thủ tướng Alexis Tsipras – người đã đánh cược tương lai của chính phủ liên minh 5 tháng tuổi cũng như quốc gia của ông – trong một trò chơi hoặc được cả hoặc mất hết với các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp, bao gồm các quốc gia sử dụng đồng euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu. 

Tuần trước, Thủ tướng Tsipras đã tiến hành kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý, với việc khẳng định cử tri nói “không” với các chính sách “thắt lưng buộc bụng” sẽ củng cố sức mạnh đàm phán của ông tốt hơn đối với các chủ nợ. Chính phủ của ông tin tưởng rằng, họ có thể sẽ ký kết được một thỏa thuận với các chủ nợ trong vòng 48 giờ.

Tuy nhiên, các quan chức châu Âu và hầu hết các đảng đối lập của Hy Lạp đều miêu tả kết quả cuộc trưng cầu dân ý là sự “bác bỏ thẳng thừng” việc đàm phán với các chủ nợ. Ông Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, cho biết kết quả trưng cầu dân ý "rất đáng tiếc cho tương lai của Hy Lạp".

Phó Thủ tướng Đức (nước chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp), ông Sigmar Gabriel, cho biết cuộc đàm phán gia hạn nợ với Hy Lạp là "khó tưởng tượng". Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp nói với nhật báo Tagesspiegel rằng chính phủ của ông đã đưa đất nước rời khỏi con đường "bị bỏ rơi cay đắng và thất vọng".

 

Phản ứng của Bộ trưởng Tài chính Bỉ Johan Van Overtveldt có phần nhẹ nhàng hơn, khi cho rằng việc nói “không” với chính sách khắc khổ “làm vấn đề thêm phức tạp”, tuy nhiên “cánh cửa nối lại các cuộc đàm phán ngay lập tức vẫn rộng mở”.

Số lượng người phản đối chính sách khắc khổ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 05/7 nhiều hơn dự đoán, và kết quả này có khả năng sẽ củng cố sự thách thức của vị Thủ tướng mới của Hy Lạp đối với châu Âu. Ông Tsipras được bầu làm thủ tướng hồi tháng 1 năm nay với cam kết bãi bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy gói cứu trợ. 

Một số nhà phân tích nhận định, Hy Lạp đang rất đói tiền mặt, do vậy nước này có thể buộc phải bắt đầu phát hành tiền tệ riêng của mình. Tính đến nay, chưa một quốc gia nào rời khỏi khu vực đồng euro gồm 19 thành viên, được thành lập vào năm 1999.

NM (Theo AP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo