Nỗi kinh hoàng từ nghỉ tết dài ngày
Tôi quan niệm sống chết cũng phải giữ cái tết. Vì đó là nếp nhà, nếp nước. Chỉ mong được nghỉ tết vừa phải, chừng 3 - 4 ngày là vừa đủ.
Các phương tiện truyền thông đưa tin, trong 8 ngày nghỉ tết đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (đa số là phương tiện cá nhân) làm chết 317 người, 509 người bị thương. So với tết năm ngoái, số người chết tăng 12,4 %. Có 1.848 vụ ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu, không tính xuể số tự sơ cứu tại nhà. Đáng buồn hơn là có hơn 226.000 lượt khám cấp cứu vì đánh nhau, trong đó 6.027 người phải nhập viện, 15 người chết. Đêm giao thừa có hơn 800 người nhập viện vì đánh nhau, còn mồng một tết, số lượng tăng lên 950 người…
Đấy là những con số xót xa, báo động sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội. Tai nạn giao thông và ngộ độc thực phẩm thì có thể lý giải. Thiên hạ ít nhiều cũng có, còn đánh nhau nhập viện hàng ngàn và chết người hàng chục, thì đảm bảo chỉ có ở Việt Nam. Còn hơn cả tổn thất trong những cuộc chiến tranh bình thường.
Bên cạnh những thiệt hại nhãn tiền về nhân mạng và tài sản, chưa ai thống kê những thiệt hại về sức khỏe, những sang chấn tinh thần của các nạn nhân cùng người thân của họ và cả cộng đồng phải gánh chịu sau mấy ngày tết. Các nhà khoa học xã hội, nghiên cứu văn hóa và quản lý nhà nước đưa ra nhiều kiến giải, mỗi người một ý.
Có người cho rằng tại Việt Nam không có chỗ chơi đàng hoàng và xả thoải mái nên mới vậy. Không sai. Nhưng Myanmar, Campuchia, Lào và nhiều nước khác còn nghèo hơn, dịch vụ ăn chơi chưa thể sánh với Việt Nam nhưng tại sao không có những chuyện đau lòng tương tự?
Có người còn lên án việc du lịch đầu năm là trái với truyền thống dân tộc. Bỏ cha mẹ, ông bà, tổ tiên để đi chơi thì có thể lên án. Đằng này, sau giao thừa và mùng 1, rủ nhau đi chơi, mời cả cha mẹ hoặc ông bà du lịch đầu năm thì quá tốt. Đi để học hỏi, mở rộng tầm nhìn, lấy hứng kinh doanh và làm việc. Vấn đề là đi chơi sao cho hợp lý và đúng mực. Nếu hàng trăm ngàn người không đi du lịch vào dịp tết, mà chỉ quanh quẩn ở nhà? Chắc chắn số liệu tai nạn vì đánh nhau, ngộ độ thực phẩm và cả tai nạn giao thông sẽ tăng gần gấp đôi…
Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính của các hậu quả trên là do nghỉ tết dài ngày quá. Cụ thể, Quốc khánh 2014, được nghỉ 4 ngày nên tai nạn giao thông chỉ làm 114 người chết và 145 người bị thương. Tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới, rất đáng xấu hổ.
Ngoài ra, còn do tư duy bảo thủ, khư khư giữ mãi những hủ tục, nhiều thứ đã bị biến dạng méo mó; không chịu “gạn đục khơi trong” để kế thừa và phát triển. Nghỉ tết dài ngày, cái lợi trước mắt là tạo điều kiện cho những người ở xa có dịp về quê đón tết, sum họp gia đình và gia tộc. Sau đó là kích cầu tiêu dùng, mua sắm, ăn uống xả giàn và du lịch sau một năm lao động cật lực. Được nghỉ làm mà vẫn hưởng lương thì ai chẳng khoái. Có điều kiện đi chơi, lại càng thích. Ngoài mấy cái lợi trên thì nghỉ tết dài ngày toàn có hại.
Trước mắt là tai nạn giao thông, ngộ độc và đánh nhau tăng với vô số thiệt hại nhãn tiền. Lâu dài là sức khỏe, tổn thọ cá nhân và cả nòi giống đều bị ảnh hưởng vì ăn nhậu xả láng kéo dài. Việc kinh doanh bị đình đốn, có thể mất hợp đồng. Đồng hồ sinh học của người Việt bị đảo lộn, từ người lớn đến trẻ em. Đang nền nếp, chừng mực và đúng giờ bỗng nhiên được tháo rào.
Không phải làm việc, học hành và ngủ, nghỉ, ăn uống tùy thích. Hậu quả, trẻ em sau nghỉ tết không muốn đi học lại. Các cháu mẫu giáo thì cứ đòi ăn tết tiếp. Người lớn vào làm việc lại, thường năng suất kém hơn và phải mất thời gian tự điều chỉnh. Du lịch nghỉ dài ngày chưa chắc lợi vì dịch vụ đáp ứng có hạn, muốn cũng không thể vì mọi người "đồng khởi" du xuân nhưng hết vé máy bay, hết phòng…
Du lịch chỉ bền vững khi phát triển đồng bộ quanh năm chứ không chỉ ăn xổi mấy ngày tết. Ăn tết dài ngày là tự làm khổ mình, làm khổ nhau. Mà khổ cực nhất là phụ nữ, nhất là mẹ, dâu và chị em gái.
Tôi quan niệm sống chết cũng phải giữ cái tết. Vì đó là nếp nhà, nếp nước. Chỉ mong được nghỉ tết vừa phải, chừng 3 - 4 ngày là vừa đủ. Mấy ngày tết, đi đâu cũng gặp thói xấu của người Việt. Từ xả rác, chen lấn, bài bạc cho đến trật tự giao thông... Toàn liên quan đến ý thức cá nhân. Giật mình, mới hay vai trò quan trọng của giáo dục gia đình.
Làm gì cũng vậy, nhà nước và lãnh đạo phải nêu gương, vì “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là đương nhiên. Bên cạnh là nỗ lực đồng bộ của cả xã hội, từ nâng cấp đường và phương tiện giao thông, cải tiến dịch vụ, xử phạt nghiêm minh, tuyên truyền hợp lý. Phải chặn ngay những hệ lụy, đừng để tết Việt thành nỗi kinh hoàng. Mỗi người một việc, chung tay góp sức, kiên quyết loại bỏ những cách ăn tết lệch lạch, biến tết vui vầy thành tang tóc. Thay vì ăn tết thì vui tết, tại sao không?
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo