Nỗi lo tăng vốn của các ngân hàng
Kỳ vọng nhiều vào năm 2018
Tại hội nghị triển khai công tác nghành ngân hàng năm 2018 vừa qua, Vietcombank đặt nhiều mục tiêu tăng trưởng như: Tổng tài sản tăng khoảng 14%; huy động vốn: 17%; tín dụng: 16%, nợ xấu: dưới 1%; lợi nhuận trước thuế: 12 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, mức tăng trưởng tín dụng dựa trên định hướng của Chính phủ giao cho ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng cả năm tăng khoảng 17% - 18% và sau đó là chỉ tiêu phân bổ của ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Vietcombank cho biết thêm, năm 2018 mở ra cơ hội tốt hơn so với 2017 khi hoạt động kinh doanh ngân hàng được dự báo tiếp tục khả quan trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhịp độ cao, các ngân hàng đang quyết liệt triển khai tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn mực basel II theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.
Chưa kể, theo lộ trình, Vietcombank đã triển khai chương trình basel II từ nhiều năm nay, triển khai 24/37 sáng kiến với mục tiêu đảm bảo là ngân hàng tiên phong trong việc tuân thủ các quy định và mốc thời gian theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.
Đến nay, phần lớn sáng kiến triển khai đã có kết quả ứng dụng trong hoạt động quản trị - kinh doanh, mức vốn điều lệ là chưa đủ. Cùng đó, ngày 15/1, VietinBank tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tại đây, ngân hàng cũng đặt nhiều chỉ tiêu và kỳ vọng vào năm nay 2018.
Tích cực tìm nguồn vốn
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ, những năm qua các ngân hàng thương mại nhà nước đều đề cập đến vấn đề tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Riêng VietinBank đã triển khai nhiều biện pháp như: Bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro…, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
“Trong năm 2018, vấn đề tăng vốn đã được ban lãnh đạo ngân hàng đẩy lên mức độ cấp bách. Nếu ngay trong quý I/2018, vốn tự có của VietinBank không được cải thiện thì hệ số CAR sẽ không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn của VietinBank đối với nền kinh tế. Vì thế, VietinBank đang gấp rút chuẩn bị một số phương án bổ sung vốn điều lệ và đã trình Chính phủ phê duyệt”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, các ngân hàng như BIDV, Agribank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong khoảng 17% - 18%.
Theo báo cáo của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, vấn đề đáp ứng đủ mức vốn pháp định của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước hiện đang hết sức bức thiết. Cụ thể, đến cuối năm 2017, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước đạt 11,1% (năm 2016 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản có rủi ro điều chỉnh là 8%. Năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Cụ thể, tổng tài sản quy đổi hệ số rủi ro tăng 9,3% trong khi vốn tự có ước tăng 4,6%.
Trong thời gian tới, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì nhu cầu tăng vốn của các tổ chức tín dụng là rất lớn, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững