Thị trường

Nơi nào Việt Nam hút vốn đầu tư Trung Quốc nhiều nhất?

(DNVN) - Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, tỉnh Bình Thuận có số vốn đầu tư cao nhất với hơn 2 tỷ USD trên 5 dự án, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính lũy kế đến đầu tháng 3/2016, Trung Quốc (chưa kể Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) có 1.346 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,4 tỷ USD. 

Hiện, Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô các dự án đầu tư trung bình cho mỗi dự án đầu tư của Trung Quốc chỉ hơn 7,7 triệu USD/dự án, bẳng khoảng ½ so với trung bình một dự án của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam (khoảng 14 triệu USD).

Ảnh minh họa.

Nếu xét theo địa bàn đầu tư, Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 54/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi, gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều người Hoa sinh sống (Lào Cai, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng). 

Tỉnh Bình Thuận có số vốn đầu tư của Trung Quốc cao nhất với hơn 2 tỷ USD trên 5 dự án, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ hai với 36 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Hà Giang đứng thứ ba với 5 dự án và tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Lào Cai, Bình Dương và các địa phương khác.

Xét theo ngành đầu tư, các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 916 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,38 tỷ USD, chiếm 68% số dự án và 52% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác.

Còn nếu xét theo hình thức đầu tư thì vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.058 dự án, tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 78,6% số dự án và 54,3% tổng vốn đăng ký; tiếp theo là hình thức hợp đồng BOT,BT,BTO có 3 dự án với tổng vốn đầu tư 2,06 tỷ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Số vốn còn lại tập trung trong các dự án liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết năm 2015 Việt Nam mới có 15 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là khoảng hơn 16 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đáng kể nhất là dự án xây dựng khu thương mại của công ty CP XNK Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD) và dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD).

 

Nên đọc



VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo