Thị trường

Nới trần vay vốn cho địa phương: Chỉ làm tăng “cơn khát” vay vốn

Tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương đến cuối năm 2013 mới bằng 0,8% GDP và có khả năng không thay đổi trong năm 2014. Nhưng đây chỉ là bề nổi của vấn đề nợ của chính quyền địa phương.

Trong các thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hầu như đề cập rất ít về nợ của chính quyền địa phương. Tỷ lệ nợ 0,8% GDP được công bố thoạt nghe là rất ít. Song, đây chỉ là nợ trái phiếu chính quyền địa phương được thống kê vào danh mục nợ theo Luật Ngân sách. Nguồn trái phiếu này, dù đã phát hành mạnh hơn trong bốn năm gần đây, từ mức 6.776 tỉ đồng (năm 2010) dự kiến lên đến 33.500 tỉ đồng vào cuối năm nay cũng chỉ là một phần trong tổng số nợ của chính quyền địa phương.

Nếu tính đủ thì phải kể đến nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ (TPCP). Con số này lên tới 44.594 tỉ đồng, tính đến hết ngày 30-6-2014.

Và nếu chi li hơn nữa, như lời Bộ trưởng Bộ KH-ĐT từng nói với TBKTSG hồi đầu năm rồi, thì đó cũng chỉ là nợ XDCB thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương. Nghĩa là chưa tính vào đó nợ thuộc trách nhiệm phải trả hàng năm của ngân sách địa phương.

Trên thực tế, hàng năm các địa phương đều có danh mục dự án được đầu tư và giải ngân theo quyết định của HĐND cấp tỉnh, lấy từ một trong ba nguồn vốn trên: vốn phát hành trái phiếu, vốn ngân sách trung ương và vốn từ ngân sách địa phương.

Theo thống kê của Chính phủ, nợ trái phiếu do địa phương phát hành mới tính vào nợ công. Song, về bản chất thì nợ nào cũng là nợ. Nguồn vay có thể khác nhau nhưng nguồn trả chỉ có một: thu ngân sách địa phương và chờ trung ương cấp, cắt đi một phần để trả nợ hàng năm.

Tại sao những khoản nợ không có trong thống kê chính thức của chính quyền địa phương lại đáng lo ngại?

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hồi cuối tuần rồi, tổng số vốn ứng trước ngân sách nhà nước và TPCP chưa có nguồn thu hồi khá lớn. Các khoản này đều do ngân sách trung ương trả. Hiện nay, nợ XDCB chủ yếu từ các dự án đầu tư công của địa phương (chiếm 93,8% số nợ đọng).

Và chỉ tính riêng nợ ngân sách trung ương thôi thì cũng ít người biết rằng, Hà Nam, một địa phương nhỏ ở vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ, nay đã vượt qua Hà Giang, dẫn đầu cả nước về nợ đọng XDCB. Đến cuối tháng 6 vừa qua, Hà Nam nợ xấp xỉ 4.000 tỉ đồng, cao hơn mức nợ 3.811 tỉ đồng ở thời điểm cuối năm 2013. Số nợ này cao gần gấp đôi thu ngân sách địa phương dự kiến năm 2014 (2.100 tỉ đồng).

Hoặc như Hà Nội, thống kê của Chính phủ cho thấy nợ đọng XDCB (vốn ngân sách nhà nước) chỉ khoảng 700 tỉ đồng nhưng thực tế, theo báo cáo tại kỳ họp HĐND thành phố hồi tháng 7 vừa qua, Hà Nội đang nợ đọng XDCB từ các nguồn lên đến hơn 4.000 tỉ đồng mà chưa bố trí được nguồn trả. Việc trông chờ vào đấu giá đất để có tiền trả nợ hiện không còn thuận lợi như trước.

Ở các địa phương khác, tình hình nợ đọng XDCB có giảm đi. Như “đại công trường” Hà Giang đến nay còn 3.804 tỉ đồng so với 5.300 tỉ đồng (cuối năm 2013), Đà Nẵng nợ 2.583 tỉ đồng... Việc giảm nợ này không phải do địa phương đã siết chặt kỷ luật ngân sách và nhận diện được nguy cơ mà chủ yếu do hai nguyên nhân.

Thứ nhất, do trung ương siết chặt việc rót ngân sách theo cơ chế thu hồi vốn ứng trước, trả nợ XDCB rồi mới cấp vốn mới theo đúng các dự án đầy đủ điều kiện được cấp vốn. Việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/2011, cắt vốn để trả nợ đọng đã làm giảm áp lực vỡ nợ cho địa phương, khiến số nợ trên giảm đi.

Thứ hai là các doanh nghiệp biết rõ chủ trương cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án, công trình từ vốn đầu tư công nên không ứng vốn hoặc vay vốn để đầu tư.

 Hiện đã có đề xuất rằng khi sửa Luật Ngân sách nhà nước nên nới trần mức vay vốn cho một số địa phương so với quy định hiện hành. Tức là có thể cho phép một số địa phương như Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng được phép huy động vượt quá 30% vốn đầu tư XDCB hàng năm của ngân sách cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu vốn cho địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương.

Nhưng nếu nhìn số nợ thực tế của các địa phương, nhất là nợ đọng XDCB, như đã đề cập ở trên thì có nhiều rủi ro lớn đang tiềm ẩn. Vì vậy có lẽ chưa nên nới trần vay vốn cho chính quyền địa phương để hạn chế bớt “cơn khát” vay vốn.

TBKTSG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo