Pháp luật

Nóng chuyện hàng rào phi thuế

Từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải đưa thuế suất về 0 – 5% đối với 90% mặt hàng có xuất xứ từ các nước Asean theo khuôn khổ của Hiệp định khu vực tự do Asean (AFTA)...
Năm 2018, Việt Nam sẽ phải hạ thuế suất về 0% đối với hầu hết các mặt hàng có xuất xứ từ AFTA và các nước đối tác của Asean trong các hiệp định thương mại tự do mà Asean đã kí với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
 
 
Nguy cơ hàng hoá giá rẻ, công nghệ thế hệ thứ 2, 3 tràn ngập lãnh thổ Việt Nam được cảnh báo khi các biện pháp bảo hộ thị trường và hạn chế hàng nhập khẩu bằng thuế không còn tác dụng. Mặc dù trên lý thuyết, Việt Nam đã và đang hoàn thiện thiết lập hàng rào phi thuế quan nhưng thực tế biện pháp này chưa thực sự hiệu quả đối với phòng vệ thương mại hàng nhập khẩu.
 
 
Về cơ bản Việt Nam vẫn chưa có hàng rào phi thuế quan hoàn chỉnh ngoại trừ những tiêu chuẩn kĩ thuật công nghệ, bảo vệ môi trường đã và đang áp dụng cho sản xuất như ISO 2001, ISO 9000, ISO 9001 và các quy định về kiểm tra dịch bệnh bất thường.
 

Nhiều thủ tục, lắm cơ chế

 

Năm 2005, Chính phủ đã thành lập ban liên ngành nghiên cứu và thiết lập các tiêu chuẩn kĩ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường con người và động thực vật đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam với sự tham gia của nhiều bộ ban ngành như Khoa học - Công nghệ, Công thương, Y tế, Hải quan…

 

Bên cạnh đó, tại các bộ đều có các Vụ, các địa phương đều có Chi cục tiêu chuẩn đo lường xây dựng và kiểm định TBT (Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) và SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật) hàng nhập khẩu đặc thù.

 

Tính chất đa dạng của hàng nhập khẩu cần có sự tham vấn của nhiều bộ ngành nhưng đây cũng là một trong những điểm nghẽn chính bởi có nhiều tiếng nói khác nhau. Nhiều cơ quan liên ngành tham gia soạn thảo nên từ năm 2005 đến nay nhưng mới chỉ có một số hàng rào quy định được thông qua, trong đó đáng chú ý nhất là bộ tiêu chuẩn SPS.

 

Các hàng rào TBT và xây dựng luật chống bán phá giá tại Việt Nam khó thiết lập bởi việc định giá giá trị thông thường hay xác định hàm lượng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, sản phẩm - một trong những cơ sở để thiết lập hàng rào và kiện chống bán phá giá Việt Nam vẫn chưa làm được.

 

Từ cuối năm 2010, một số tiêu chuẩn về hàm lượng chì trong linh kiện điện tử, quy định kiểm soát hàm lượng chất độc hại liên quan đến thiết bị điện, điện tử… mới được áp dụng. Tuy nhiên, hầu hết quy định trên áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, với các hàng hóa nhập khẩu chúng ta chưa có nhiều biện pháp đối phó hữu hiệu, nhất là kiểm soát hàng nhập khẩu trên thị trường hiện nay đang bị buông lỏng.

 

Hàng nhập khẩu chính ngạch qua các cảng  hầu hết được thông quan bởi các quy định về tiêu chuẩn của Việt Nam còn ở mức thông thường và thấp hơn cả nước xuất khẩu. Trái lại, thị trường trong nước chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến lượng hàng giả còn tràn ngập.

 

Không thể chậm hơn

 

 

 

Hàng rào phi thuế quan trong khuôn khổ WTO mà hầu hết các nước đang áp dụng hiện nay bao gồm các quy định về tiêu chuẩn kĩ thuật TBT (Technical Barriers to Trade); các biện pháp kiểm dịch động thực vật SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures) và các biện pháp phòng vệ thương mại như: điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hàng xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan…Cách thức thực hiện hàng rào phi thuế quan hiện nay yêu cầu đối tác xuất khẩu thực hiện cam kết ngay trong quá trình sản xuất chế biến, kí cam kết tuân thủ từ công đoạn chào hàng, nhận đặt hàng và quá trình giao nhận. Các biện pháp kiểm định sẽ được nước nhập khẩu tiến hành ngay tại xưởng, bến cảng và sân bay.

Là nước có lợi thế hàng đầu về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng trong những năm trở lại đây, hàng hóa của Việt Nam luôn gặp phải nhiều hàng rào phi thuế quan của các nước nhập khẩu.

 

Trong vụ kiện, các doanh nghiệp Việt Nam luôn chịu yếu thế và mất thị trường do các chính sách điều tra chống bán phá giá, trợ cấp thương mại và vi phạm các quy định trong hàng rào phi thuế quan từ các nước nhập khẩu.

 

Trái lại, tại thị trường trong nước do chưa có các hàng rào phi thuế quan đầy đủ nên Việt Nam được coi là thị trường dễ dãi đối với hàng nhập khẩu. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành thị trường giá rẻ và bãi rác công nghệ nếu các hàng rào phi thuế quan chưa được thiết lập đầy đủ và hoạt động trơn tru.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, có hai khó khăn để xây dựng và áp dụng các hàng rào phi thuế quan bảo hộ thị trường: một là cơ sở khoa học, kiểm định chất lượng của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

 

Hàng nhập khẩu nhiều chủng loại thế hệ thứ 2, 3 nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam ; hai là tiêu chuẩn chất lượng các doanh nghiệp ứng dụng hiện nay còn thấp so với quy định, nếu áp đặt các hàng rào phi thuế quan cao, doanh nghiệp trong nước thì người chịu thiệt hại chính là các doanh nghiệp Việt.

 

Để thiết lập hàng rào phi thuế quan có hiệu quả, bên cạnh đưa ra bộ tiêu chuẩn phù hợp, đổi mới công nghệ sản xuất của doanh nghiệp là điều phải làm ngay. Một trong những khó khăn hiện nay chính là quy trình xây dựng và thiết lập hàng rào phi thuế quan trong khi nhiều hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nhiều ban ngành và nhiều hàng hóa có tính đặc thù cần sự phối hợp kiểm định của nhiều cơ quan chuyên môn.

 

Hiện nay, để thiết lập hàng rào phi thuế quan, các nước nhập khẩu cần tôn trọng quy định của WTO và Nguyên tắc đối xử quốc gia.

 

Theo đó, các nước nhập khẩu không được áp dụng tiêu chuẩn TBT, SPS đối với hàng nhập khẩu cao hơn hàng sản xuất trong nước, quy định này nhằm ngăn chặn các nước lợi dụng hàng rào phi thuế quan để cạnh tranh không lành mạnh. Với trình độ ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay, bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp phải làm sao cân bằng lợi ích thị trường và lợi ích chính mình.

 

Vì vậy, với mức độ thị trường của Việt Nam, áp dụng tiêu chuẩn SPS và TBT như thế nào để tránh tác động xấu đến doanh nghiệp trong nước, vừa bảo vệ, nâng cao giá trị thị trường vừa không gây khó cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

 

Chính những lo ngại doanh nghiệp không đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn nên sau nhiều năm hàng rào phi thuế quan vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện tượng hàng nhập khẩu máy móc thiết bị dù thế hệ thứ hai của các nước phát triển vào Việt Nam vẫn phù hợp với tiêu chuẩn TBT là việc quá bình thường bởi nếu áp dụng các biện pháp TBT hàng nhập khẩu cao hơn hàng trong nước sẽ gánh chịu biện pháp trả đũa hoặc kiện thương mại bất cứ lúc nào.

 

 

Ông Lương Văn Tự -Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đám phán Việt Nam gia nhập WTO: Cần thời gian biểu

Hiện nay, chúng ta đã có tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn đánh giá TBT, SPS hay các biện pháp phòng vệ thương mại thông thường nhưng cơ sở để kiểm định, đánh giá và điều tra chống lũng đoạn thị trường còn chưa có. Là nước đang và kém phát triển, chúng ta phải chấp nhận đi theo nhưng không có nghĩa là chúng ta đi theo mãi mãi, không xây dựng cho mình bộ tiêu chuẩn phù hợp như quy định WTO và phù hợp với thị trường của mình.

Trong bối cảnh có rất nhiều nước phát triển bảo trợ sản xuất trong nước bằng các biện pháp hỗ trợ tín dụng xuất khẩu, vay ưu sản xuất đãi tối đa và giảm thuế xuất khẩu bằng 0%. Các quốc gia đang phát triển sẽ rất khó tìm thấy lý do để kiện chống bán phá giá thị trường. Cách làm của thế giới hiện nay đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, bắt buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân thủ ngay từ khâu sản xuất, chuỗi cung ứng và chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, để xây dựng được bộ tiêu chuẩn đánh giá này, các khâu kiểm định, thẩm tra phải thực sự hoàn thiện và hiện đại. Đây là điều mà hệ thống kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn của Việt Nam còn kém hiệu quả.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế: Tiện đôi đường cho doanh nghiệp

Đã đến lúc doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình, đánh giá khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả và niềm tin thị trường. Nếu doanh nghiệp không tự đổi mới công nghệ, tuân thủ các tiêu chuẩn hàng rào phi thuế quan sẽ lộ điểm yếu trong cạnh tranh, mất thị trường và sẽ phải kiếm tìm các thị trường khác dễ dãi hơn nhưng cũng đầy rủi ro thanh toán.

Chúng ta cần xây dựng các tiêu chuẩn SPS và TBT của WTO và có cơ chế kiểm định, đánh giá tốt, tôi tin doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được. Việc làm này vừa ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng tràn lan, phá vỡ thị trường vừa đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu khi các hàng rào phi thuế quan ở các nước phát triển ngày càng khắt khe hơn.

 

Ông Lương Văn Phan -Nguyên Phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam:
Đừng tự biến thành “vùng trũng dễ dãi”
 

Theo tôi, hiện nay chúng ta phải xem lại cách thức và tiêu chuẩn nào phù hợp để xây dựng các hàng rào phi thuế quan trong đó có cân đối bài toán lợi ích doanh nghiệp - thị trường và có cách giải duy nhất: phải ưu tiên lợi ích chung của đất nước và lợi ích thị trường. Tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp mới biết đường thay đổi công nghệ, đổi mới tư duy của doanh nghiệp không được xem thị trường trong nước là sân sau, thứ yếu. Trong cam kết WTO, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các hàng rào phi thuế quan cao hơn mức trung bình chung của hàng sản xuất trong nước, miễn là chứng minh được tiêu chuẩn đó có 2/3 doanh nghiệp trong nước đáp ứng được.

Rất nhiều hàng tiêu dùng và linh kiện điện tử từ Trung Quốc chất lượng thấp, giá rẻ đang lũng đoạn thị trường Việt Nam và khiến rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành hàng khốn đốn. Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chưa có một vụ kiện chống bán phá giá và điều tra nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn đối với môi trường, con người nào đối với các hàng hoá của Trung Quốc cả. Nếu các bộ, ban ngành còn chậm chễ trong việc thiết lập hàng rào phi thuế quan thì những tổn thương thị trường, mất niềm tin người tiêu dùng sẽ ngày càng gia tăng.

 

 

Theo TBDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo