Nông dân lo gạo ế, VFA loay hoay “lo ghế”
4 lần chỉ đạo bầu lại!
Theo hồ sơ, từ ngày 30.5 đến nay, Bộ Nội vụ đã có 4 lần yêu cầu bầu lại Chủ tịch VFA. Lần bầu đầu tiên vào ngày 30.5 và lần bầu mới đây nhất là vào ngày 7.10. Trước đó, tại cuộc họp bất thường Ban chấp hành VFA diễn ra ngày 20.3, VFA có 27 ủy viên ban chấp hành và có 23 người tham gia cuộc họp. Ông Nguyễn Hùng Linh - Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch - Thương mại Kiên Giang, đương kim Phó Chủ tịch VFA - đã được giới thiệu chức danh Chủ tịch VFA (thay ông Trương Thanh Phong nghỉ hưu), và có 17 người đồng ý (trên 50%).
Ngay sau cuộc họp này, một số người không đồng ý đã có đơn khiếu nại, yêu cầu phải bầu lại. Thế nhưng, 7 tháng đã trôi qua, ý kiến giữa các ban ngành (chủ yếu là trong Bộ NNPTNT và Bộ Nội vụ) xung quanh việc này vẫn chưa thống nhất, dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải “thống nhất”.
Cụ thể, sau khi có đơn thư khiếu nại yêu cầu thay tân Chủ tịch VFA, ngày 2.7 VFA có Công văn 329/CV/HHLTVN gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giữ nguyên nhân sự để tập trung tìm đầu ra, lo đầu mối xuất khẩu vì đến năm 2015 sẽ hết nhiệm kỳ, sẽ đại hội bầu lại. Ngày 24.7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ trao đổi thống nhất với Bộ NNPTNT, để giải quyết kiến nghị của VFA tại Công văn nêu trên.
Sau khi có chỉ đạo này, ngày 11.8, Bộ Nội vụ có Công văn 3169/BNV-TCPCP gửi Bộ NNPTNT lấy ý kiến góp ý giải quyết kiến nghị của VFA. Đến ngày 4.9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn có văn bản phúc đáp. Theo đó, việc bầu Chủ tịch VFA ngày 20.3 có thiếu sót về quy trình, thủ tục. Tuy vậy, về cơ bản, sau hội nghị, hiệp hội hoạt động ổn định, nhất là việc điều tiết các thành viên mua, tiêu thụ và xuất khẩu gạo không tạo biến động nên đảm bảo giá có lợi cho nông dân. Do thời gian còn lại của Ban chấp hành VFA nhiệm kỳ 2011 – 2015 không còn nhiều, mặt khác trong các dự thảo văn bản của Bộ Nội vụ cũng không đặt vấn đề thay đổi hoặc chỉ đạo phương án về nhân sự chủ chốt mới, do đó Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, có phương án xử lý phù hợp với thực tiễn. Bộ NNPTNT cũng yêu cầu VFA rút kinh nghiệm, không để tái diễn, và cũng không nên tạo xáo trộn lớn.
Loay hoay với “ghế”
Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch VFA, Tổng Giám đốc Cty CP Gentraco (Cần Thơ) - cho biết: “Làm Chủ tịch VFA là công việc không dễ dàng, cũng chẳng có lương. Anh Linh từng là Phó Chủ tịch VFA, nên khi được giao nhiệm vụ mới đã làm khá tốt. Tuy nhiên, vì có ý kiến phản ứng nên anh Linh nản, muốn nghỉ. Chúng tôi đã phải động viên anh làm tiếp vì qua năm 2015 đã hết nhiệm kỳ rồi. Giờ không lo đầu ra, chỉ lo chuyện bầu bán, trong khi tới đại hội cũng phải lo bầu nữa nữa, thì chỉ càng thêm phức tạp”.
Ông Nguyễn Hùng Linh cho biết, các ý kiến yêu cầu bầu cử lại chức danh Chủ tịch VFA chủ yếu từ một số thành viên của Tổng Cty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2). “Trong 27 ủy viên Ban chấp hành VFA thì có quá nửa là thành viên của Vinafood 2, còn tôi chỉ là lãnh đạo của một doanh nghiệp nhà nước của Kiên Giang, nên không có bè cánh gì. Việc các ủy viên bầu tôi làm tân chủ tịch, bản thân tôi cũng thấy bất ngờ. Đương nhiên, do không có bè cánh nên việc điều tiết đầu mối xuất khẩu sẽ theo năng lực, uy tín của các thành viên chứ không thể theo lợi ích nhóm, bỏ rơi các thành viên “mồ côi”” – ông Linh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Linh nói: “Tình hình xuất khẩu gạo bị cạnh tranh gay gắt với nhiều nước, khi tiếp nhận vị trí này, tôi không thể tin được có sự mâu thuẫn cục bộ của một số cá nhân như vậy. Trong khi nông dân khổ như thế, sao lại có đủ thời gian để tập trung tranh giành một vị trí, một chức vụ để thỏa mãn lợi ích một nhóm người? Nếu các bộ ngành cứ bỏ ngỏ quyết định, bầu đi bầu lại thì cũng chỉ là phục vụ cho quyền lợi một nhóm cá nhân mà thôi. Nhiệm kỳ này cũng đã gần kết thúc, nếu Bộ Nội vụ vẫn quyết bầu lại, tôi thấy chỉ tốn thời gian cho một chiếc ghế, chứ không giải quyết được gì!”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD