Thị trường

Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCH Trung ương Đảng về lĩnh vực “tam nông”, tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, tình hình KT-XH khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt…

Kết quả đáng phấn khởi

Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, phong trào áp dụng KHKT vào SX được đẩy mạnh, cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng mở rộng.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 5,39 triệu đồng (năm 2008) lên 13.740 triệu đồng (năm 2017). Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm, đảm bảo cuộc sống cho người dân nông thôn.

Kết cấu hạ tầng KT-XH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, nhất là các công trình thủy lợi, đường giao thông, trường học, điện lưới… Đến nay, toàn tỉnh có 3.560 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu; hiện đã xây dựng 3.520,12km đường các loại; 117/117 xã được sử dụng điện quốc gia và 109 trường đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới y tế được củng cố…

Số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng từ 24 HTX (năm 2008) lên 48 HTX (năm 2017). Đến nay, Cao Bằng có 10 xã đạt 19 tiêu chí NTM, 38 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 117 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, 12 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Hiện tại, tỉnh có 24 sản phẩm thế mạnh thuộc 4 nhóm là thực phẩm, đồ uống, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, có 9 sản phẩm đăng ký công bố chất lượng, 13 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thị trường tiêu thụ chính là trong nước, chỉ có trà tiên và chiếu trúc là xuất sang Đài Loan.  

Nhờ cây chè, đời sống của người dân huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã được nâng cao.

“Xóa” xã dưới 5 tiêu chí NTM

Hiện nay, Cao Bằng còn 12 xã dưới 5 tiêu chí NTM, là những xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, xa trung tâm; điều kiện phát triển SX nông nghiệp, trình độ dân trí rất thấp…

Ông Bế Xuân Tiến, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm 2018, tỉnh Cao Bằng phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã tăng thêm từ 1 - 1,5 tiêu chí so với năm 2017; phấn đấu bình quân số tiêu chí toàn tỉnh đạt 9,4 tiêu chí/xã.

Nhóm xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí tăng 2 tiêu chí/xã, đạt từ 5 - 9 tiêu chí tăng 0,7 tiêu chí/xã, nhóm dưới 5 tiêu chí tăng từ 1 - 2 tiêu chí… Quyết tâm đến cuối năm 2018 không còn xã nào dưới 5 tiêu chí NTM.

Theo ông Tiến, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, BCĐ và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền tới bà con nông dân các xã dưới 5 tiêu chí về phương thức SX, áp dụng tiến bộ KHKT.

 

Củng cố lại hệ thống đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở đủ sức đủ lực để triển khai các chương trình. Tập trung ưu tiên nguồn lực bằng vốn đầu tư các công trình dự án trên địa bàn, tập trung hỗ trợ vốn SX cho bà con nông dân để phát triển SX cũng như xóa đói giảm nghèo.

Tăng cường công tác chỉ đạo, đánh giá, kiểm tra thường xuyên của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện đối với các xã dưới 5 tiêu chí, để tạo động lực giúp các xã thoát khỏi xã dưới 5 tiêu chí trong năm nay…

“Để thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhất là các xã miền núi đạt được các tiêu chí theo lộ trình của tỉnh cũng như của Trung ương, chúng tôi kiến nghị tăng nguồn lực cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Có cơ chế lồng ghép các chương trình, nguồn vốn tích hợp như nguồn vốn 135 vào Chương trình xây dựng NTM để tạo động lực cũng như sử dụng nguồn vốn có hiệu quả”, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đề nghị tỉnh Cao Bằng vừa triển khai vừa khắc phục những hạn chế trong việc triển khai Nghị quyết 26. Trong đó, tập trung phát triển các cây trồng, các chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao đời sống nông dân.

Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tập trung vào các cây trồng, như lê, gạo, rau đặc sản... gắn với tái cơ cấu SX, phát triển thêm nhiều mặt hàng đặc hữu của địa phương.

 

Tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho người dân; gắn phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp với phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn, tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế…

Nên đọc
Theo Nông Nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo