Thị trường

Nông nghiệp Việt Nam ào vào thị trường 600 triệu dân

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ được gì khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC), một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD .

Tiềm năng của 2000 tỷ GDP


Trong một báo cáo  có tựa đề “Cộng đồng Asean và tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”, cơ quan quản lý  chỉ ra khá rõ những thời cơ cũng như thách thức mà nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi chúng ta chính thức hòa nhập vào ACE


 Sau khi thành lập, AEC sẽ là một thị trường chung có quy mô lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD, thông qua sự liên kết về kinh tế trên cơ sở sản xuất thống nhất như tự do thương mại về đầu tư, chu chuyển vốn, lao động, dịch vụ…


Theo Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tham gia AEC sẽ giúp Việt Nam tăng thêm khối lượng trao đổi thương mại với các nước trong khu vực. Trong đó thương mại nông sản giữ một vị trí quan trọng với gạo, thủy sản, rau quả, ... là những nhóm hàng chính Việt Nam xuất sang thị trường này, với trị giá chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN.


Tham gia AEC sẽ tác động tới việc thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo chiều hướng tích cực. Trong thời gian qua, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị, trong đó mặt hàng nông sản và nguyên liệu như gạo, cà phê, cao su, nông sản chế biến với giá trị cao và ổn định.

 

Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản,...
Trong quan hệ về FDI, ASEAN là nguồn FDI lớn cho Việt Nam, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.
 

 

 

Nhưng phải cạnh tranh


Bên cạnh những mặt tích cực, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong đó có hàng nông lâm thủy sản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN.


Trong thời gian tới, AEC hình thành sẽ tạo ra thị trường chung, không còn rào cản hàng hóa, dịch vụ, vốn... Hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi như nhau, khi đó sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.


Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối.


“ Do đó đòi hỏi cần phải tằng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng cường thu hút đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất xuất khẩu, cải tiến mẫu mã quy cách sản phẩm....”, cơ quan tham mưu cửa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định

 

Việc hình thành cộng đồng ASEAN(AC) trong đó có Cộng đồng kinh tế ASEAN  (AEC) sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới mô hình một cộng đồng kinh tế - an ninh - xã hội. Đồng thời, AEC cũng sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị một thị trường chung của khu vực.

 

T. Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo