“Nóng” phiên chất vấn Chánh Tòa Tối cao: 5 vụ án có dấu hiệu oan sai
Kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đối với phần đăng đàn của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều cho rằng, các câu hỏi và phần trả lời thẳng thắn, tập trung vào các nội dung chính và làm rõ được nhiều nội dung cử tri cả nước quan tâm.
Ngoài những câu hỏi đề nghị làm rõ nhiều vấn đề chung về tình hình oan sai và bồi thường oan sai, nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội đề cập đến 5 vụ án nghiêm trọng được dư luận hết sức quan tâm.
1. Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản tại bưu điện Cầu Voi- Long An từ 2008 có oan hay không?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết vụ việc đang được xem xét một cách thận trọng để đảm bảo oan thì kết luận oan và giải oan, nếu có tội thì phải xác định rõ căn cứ buộc tội theo đúng pháp luật để không bỏ lọt tội phạm.
Ông Trương Hòa Bình cũng cho biết Chủ tịch nước có quyết định bác đơn đề nghị giảm án của bị cáo. Việc có oan hay không phải căn cứ người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao khi đưa ra xét xử mới khẳng định có oan hay không oan. Hiện bản án đã có hiệu lực và chưa có căn cứ kháng nghị.
“Chưa có căn cứ khẳng định oan hay không nhưng chúng tôi sẽ xem xét thận trọng, đủ căn cứ kháng nghị sẽ kháng nghị, nếu không phải thực thi đúng pháp luật”, Chánh án TANDTC nói.
Phần trả lời của Chánh án TANDTC, theo đại biểu Lê Thị Nga là “theo đúng hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tờ trình không kháng nghị”, nhưng điều quan trọng mà đại biểu và cử tri quan tâm là bản án kết tội có đủ căn cứ không.
“Với tư cách cá nhân đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng bản kết tội chưa đủ chứng cứ vững chắc. Tôi đã có bản kiến nghị 10 trang chỉ ra hàng chục điểm sai sót và vi phạm trong bản án; có kiến nghị đến Chánh án, Viện trưởng Viện Kiểm sát”, đại biểu cho biết và đề nghị Chánh án xem xét thận trọng vụ án này.
Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết Bộ này đang phối hợp với Tòa án, VKS để xem xét lại vụ Hồ Duy Hải.
2. Vụ án thứ 2 được đề cập tại phiên chất vấn là án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng về tội giết người, cướp tài sản. Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề mức án có thỏa đáng không và đã đúng với vai trò của Chưởng trong tội danh này?
Chánh án TANDTC khẳng định đây không phải là vụ án oan. Vụ án đã được xét xử, Viện trưởng VKS có kháng nghị theo hướng giảm tử hình xuống chung thân, nhưng Hội đồng đã bác vì cho rằng vai trò của Chưởng là chủ mưu, cầm đầu.
“Có ý kiến cho rằng Chưởng không trực tiếp làm cho bị hại tử vong, nhưng đối tượng khác trong băng nhóm của Chưởng, do Chưởng chỉ huy nên Chưởng phải chịu trách nhiệm. Nếu có ý kiến Quốc hội thì tiếp tục xem xét một cách thận trọng và sẽ chờ kết luận giám sát”, ông Trương Hòa Bình cho biết.
3. Một vụ án được đánh giá là rất phức tạp chính là vụ Lê Bá Mai ở Bình Phước. Trải qua nhiều cấp xử trong một thời gian dài, bị cáo bị tuyên án 3 lần với các mức án rất khác nhau: Tử hình, vô tội, chung thân. Theo các đại biểu, chính điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ tại sao với tình tiết như nhau và đều cùng bị kết án về tội hiếp dâm, giết người nhưng Lê Bá Mai lĩnh án tù chung thân, còn Hàn Đức Long ở Bắc Giang thì lĩnh án tử hình.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng thừa nhận vụ Lê Bá Mai rất phức tạp về đánh giá chứng cứ, tội danh trong khung hình phạt rộng, mỗi cấp tòa độc lập đánh giá nên có sự khác nhau về mức án. Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định vụ án kéo dài có trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Quốc hội đã có giám sát đánh giá cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng để có kết luận và Liên ngành cũng kiểm tra vụ án, đi đến kết luận việc xét xử không có căn cứ kháng nghị, tức đúng pháp luật.
Chánh án cũng cho biết đến nay mới nhận được đơn của gia đình bị cáo mà chưa nhận được đơn của bị cáo Lê Bá Mai.
Liên quan thắc mắc tại sao có sự khác nhau giữa mức án của Lê Bá Mai và Hàn Đức Long, Chánh án TANDTC cho biết vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật. Cả hai cùng phạm tội hiếp dâm trẻ em và tội này được quy định trong Bộ Luật hình sự với khung hình phạt rất rộng tùy độ tuổi của bị hại. Các hội đồng căn cứ tình tiết, thủ đoạn, chất, mức độ của hành vi phạm tội, tình tiết ăng nặng, giảm nhẹ để có quyết định. Đó là quyết định độc lập của các hội đồng, chánh án phải tôn trọng.
Ông Trương Hòa Bình cũng cho biết vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang đã có kháng nghị và hủy án, đang điều tra lại.
4. Liên quan vụ án oan sai Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được dư luận rất quan tâm thời gian qua, đại biểu Quốc hội chất vấn: Vì sao ông Chấn liên tục có đơn nhiều năm, nhưng chỉ khi hung thủ thật của vụ án giết người, cướp của là Lý Nguyễn Chung ra tự thú thì Viện Kiểm sát tối cao mới xem xét kháng nghị tái thẩm? Kết quả giải quyết bồi thường đến đâu?
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, các cơ quan tố tụng tiến hành giải quyết vụ việc một cách quyết liệt, hiện đến giai đoạn gia đình ông Chấn giao các tài liệu chứng minh để bồi thường thì có thể đạt kết quả cuối cùng.
Liên quan đến việc khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm - cựu thẩm phán Toà Phúc thẩm TAND Tối cao, người từng ngồi ghế chủ tọa phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Trương Hòa Bình cho biết chưa xác định được có ý thức chủ quan mà chỉ do nhận thức. Thời điểm đó chưa có tranh tụng, xử trên hồ sơ, hội đồng quyết định tập thể và mỗi người đều có quan điểm, bỏ phiếu ngang nhau, đồng tình ra bản án.
“Sai thì phải xử lý nhưng cần xem xét để người ta yên tâm thể hiện quyền năng pháp lý tại phiên tòa. Về vụ ông Chiêm, Viện Kiểm sát đang điều tra, chưa chuyển qua tòa nên chưa có căn cứ xác định ông Chiêm có tội”.
5. Đối với vụ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, đại biểu Quốc hội băn khoăn phạm nhân Nguyễn Phúc Thành ngay từ năm 2.000 có đơn tố giác 2 đối tượng khác giết người, cướp tài sản chứ không phải ông Nén nhưng 16 năm không được xem xét. Cuối 2014, VKSNDTC mới kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó có nguyên nhân đơn tố giác này chưa xem xét giải quyết.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định vụ án qua một quá trình dài mới được xem xét có trách nhiệm của Tòa tối cao và Viện Kiểm sát tối cao. Các cơ quan tham mưu không kịp thời đánh giá đúng, trên hồ sơ thấy thể hiện đủ căn cứ nên không xem xét kỹ, sau đó VKS xem xét và thấy có cơ sở kháng nghị.
“Trước đây án tại hồ sơ mà thiếu tranh tụng đánh giá toàn diện nên kết quả là có án. Giờ trên tinh thần cải cách tư pháp, tranh tụng đánh giá toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế tương tự. Vụ ông Nén giao điều tra trở lại, nên kết quả tới đây có oan hay không và kéo dài bao lâu phụ thuộc cơ quan điều tra”, ông Bình nói.
Liên quan đến vụ án này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết đã lập chuyên án để làm rõ có oan hay không./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo