Tài chính - ngân hàng

Nông sản: Nhiều nước có thể chung tay để chặn đà giảm giá cao su tự nhiên

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Tổng Thư ký IRC Yium Tavarolit cho biết, các nước sản xuất cao su “đang theo dõi” sự gia tăng mức chênh lệch giữa giá cao su xuất khẩu của Thái Lan và giá tương lai, và sự gia tăng này có thể sẽ “khuyến khích các nước thực thi các biện pháp thích hợp để chặn đà giảm giá” của mặt hàng này.
Theo ông Yium, kể từ ngày 12/3, giá cao su giao ngay trên Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (được coi là giá chuẩn quốc tế) đã giảm “một cách bất thường” so với giá FOB ở Băng Cốc. Chênh lệch giữa hai mức giá này đã tăng ít nhất 50 cent/kg so với mức từ 10 đến 20 cent/kg trước đó.

Theo Bloomberg, kể từ đầu năm tới nay, giá của các hợp đồng tương lai về cao su trên sàn Tokyo đã giảm 16% do có các quan ngại rằng lượng cao su dự trữ đang tăng trong khi nhu cầu suy giảm. Thái Lan, Inđônêxia và Malayxia – ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới – vẫn chưa ra bất cứ tuyên bố chung chính thức nào về việc hạn chế xuất khẩu, sau khi chương trình cắt giảm 300.000 tấn cao su xuất khẩu – một nỗ lực chung của ba nước này nhằm hỗ trợ giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới – kết thúc vào tháng 3/2013.
Trước đó, hôm 12/4, ông Pongsak Kerdvongbundit, Chủ tịch Danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan đang mua vào trên Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo để đẩy giá cao su lên và sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào giá tại đó vẫn còn thấp hơn so với mức giá tại Thái Lan.
Ông Yium cho biết kể từ tháng 3/2013, giá cao su của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 80 baht/kg (khoảng 2,62 USD) đến 90 baht/kg. Điều này cho thấy nguồn cung trong nước đang hạn hẹp, bởi vì các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng cường đặt hàng để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu. Giá của loại hợp đồng được giao dịch phổ biến nhất trên sàn Tokyo vào lúc 9 giờ 39 phút sáng 6/6 tại Băng Cốc (Thái Lan) là 253,4 yên/kg (2.554 USD/tấn).
Năm ngoái, giá cao su đã tăng 15% khi Thái Lan, Inđônêxia và Malaixia (hiện đang chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu) đạt được thỏa thuận về việc giảm 300.000 tấn lượng cao su xuất khẩu, chiếm 3% sản lượng cao su toàn cầu, trong thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2013.
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Từ đầu năm tới nay, giá cao su thế giới đã giảm hơn 8%. Vì vậy, Inđônêxia và Malaixia đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu cao su sau khi thỏa thuận trên hết hiệu lực vào cuối tháng 3/2013, trong khi Thái Lan đã quyết định tiếp tục duy trì các biện pháp này cho đến 31/5/2013./.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo