Nữ doanh nhân bị truy tố oan suốt 11 năm
Tháng 12/1999, Chan Yiu Wah Bosco, quốc tịch Anh lấy danh nghĩa là đại diện Công ty Trans Pacific (Đài Loan) ký với Công ty cổ phần Hữu Nghị hợp đồng thuê tám phòng ngủ của khách sạn Hữu Nghị giá 2000 USD/tháng.
Đầu năm 2000, Bosco còn sử dụng sáu phòng, tại số 4 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Công ty cổ phần Sông Hồng do ông Trần Văn Tiến, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đứng ra thuê phòng. Ông Tiến cũng mang đến một ăngten parabol mua từ người bán đồng nát về lắp tại tầng thượng của khách sạn còn ông Nguyễn Đức Quang thì giúp Bosco ký hợp đồng thuê bao 50 số điện thoại và lắp đặt tại các phòng này.
Với sự giúp đỡ của ông Tiến và một người khách là ông Lê Công Hoàng, Bosco đã lắp đặt ăngten parabol cùng một số thiết bị kỹ thuật khác tạo thành một trạm truyền dẫn tín hiệu viễn thông, kết nối với các số điện thoại thuê bao của Bưu điện Hà Nội tại số 4 Trần Hưng Đạo.
Tháng 5/2000, cơ quan chức năng phát hiện hai trạm thu phát tín hiệu vệ tinh do Bosco lập. Nhưng Bosco đã nhanh chân chuồn khỏi Việt Nam và chỉ đạo vợ là Hoàng Thị Hương Giang và một “đệ tử” là Lê Trọng Hiệp tháo dỡ và cất giấu các thiết bị của trạm thu phát tín hiệu vệ tinh tại số 23 Quán Thánh. Số thiết bị số 4 Trần Hưng Đạo do Tiến tẩu tán.
Sau khi Bosco bỏ trốn, cảnh sát điều tra đã khởi tố một loạt cá nhân có liên quan là Tiến, Bùi Ngọc Hải (phiên dịch của Bosco), Lê Công Hoàng, Nguyễn Đức Quang và cả bà Mai Thị Khánh. Bà Khánh bị cho là đồng phạm với Bosco vì đã cho Bosco lắp đặt ăng ten parabol tại khách sạn Hữu Nghị.
Tuy nhiên, năm 2002, VSKND tối cao đã đình chỉ điều tra đối với các bị can Lê Công Hoàng, Trần Văn Tiến, Nguyễn Đức Quang, Lê Trọng Hiệp và năm 2009 tiếp tục đình chỉ đối với Hoàng Thị Hương Giang khi Giang ra đầu thú sau những ngày trốn theo chồng. Riêng bà Khánh và Bùi Ngọc Hải bị truy tố và buộc phải chịu trách nhiệm đối với số tiền cước điện thoại ước tính khoảng 1 triệu USD do Bosco đã chiếm đoạt.
Trong quá trình 10 năm thụ lý vụ án, đến 2011, tòa án nhân dân Hà Nội sáu lần trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ chứng cứ buộc tội đối với bà Khánh vì theo tòa, chưa đủ bằng chứng chứng minh bà Khánh là đồng phạm với Bosco vì bà Khánh không biết việc Bosco làm, không thỏa thuận chia chác với Bosco. Nhưng cũng từng ấy lần, cơ quan điều tra, viện kiểm sát không đáp ứng được yêu cầu của Tòa.
Ngày 5/10/2011, tòa Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sau 11 năm điều tra, truy tố đối với bà Mai Thị Khánh. Kết quả, Tòa đã tuyên bà Khánh không phạm tội trộm cắp cước viễn thông, khép lại lời buộc tội “đồng phạm” không có căn cứ pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bà Khánh kéo dài hơn 4000 ngày. Theo nhận định của Tòa, bà Khánh không thể biết được việc Bosco thuê phòng, lắp đặt ăng ten parabol, thuê bao điện thoại là để trộm cước viễn thông; không bàn bạc thỏa thuận ăn chia về việc trộm cắp tài sản.
Đổi tội để tránh bồi thường?
Những tưởng vụ án sẽ khép lại với một kết cục có hậu cho người bị oan nhưng Tòa án Hà Nội lại đưa ra một quyết định bất ngờ không kém là tuyên bà Khánh phạm tội “không tố giác tội phạm”, phạt 30 tháng tù. Tòa nhận định, với việc Bosco thuê phòng nhưng không sử dụng, trả tiền cước viễn thông rất nhiều là bất thường và bà Khánh buộc phải biết Bosco đang trộm cắp cước viễn thông. Với suy đoán đó, tòa cho rằng bà Khánh không tố giác Bosco nên quy tội “không tố giác tội phạm”.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn phân tích, 11 năm điều tra, cơ quan tố tụng cũng không đưa ra được chứng cứ đủ để quy kết tội trạng “trộm cắp” cho bà Khánh. Việc gán tội “không tố giác tội phạm” không đúng pháp luật và mâu thuẫn với chính bản án mà tòa vừa tuyên. Tòa xác định bà Khánh không biết Bosco lắp đặt ăng ten parabol và thuê bao điện thoại là để trộm cước viễn thông nhưng lại gán cho bà Khánh nghĩa vụ buộc phải biết Bosco đang phạm tội là phi lý.
“Thời điểm đó, chỉ có một số ít các chuyên gia về viễn thông và vệ tinh, làm việc trong các cơ quan của Chính phủ mới có thể nhận biết và nắm bắt được kỹ thuật và công nghệ lập trạm vệ tinh và sử dụng trạm này. Do đó, về ý thức chủ quan, bà Khánh không biết có tội phạm xảy ra tại khách sạn do bà quản lý nên không thể tố giác được. Do đó, bà Khánh không thể phạm tội này” – luật sư Toàn phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo