Quốc tế

Nữ hoàng Cleopatra và lời đồn ngủ với 100 đàn ông mỗi đêm

Nữ hoàng Cleopatra gắn liền với những người tình nổi tiếng và quyền lực, luôn là đề tài bàn luận của nhân loại tự cổ chí kim.

Cleopatra, tên đầy đủ là Cleopatra VII Philopator, sinh ra ở Alexandria, Ai Cập vào năm 69 TCN. Cha của bà là vị Pharaoh quyền lực Ptolemy XII. Cleopatra sớm bộc lộ sự thông minh và khôn ngoan của mình, là đứa con cưng được yêu thương nhất, theo cha học cách cai trị đất nước ngay từ nhỏ.

Ngược với suy nghĩ của nhiều người, Cleopatra không phải người Ai Cập mà thuộc dòng dõi gốc Hy Lạp. Gia tộc Ptolemy của Cleopatra ra đời khi nhà cai trị Hy Lạp Alexander Đại đế xâm lược Ai Cập.

Cleopatra nổi tiếng về vẻ đẹp và trí tuệ tuyệt vời.

Lịch sử ghi chép rằng Cleopatra là một phụ nữ xinh đẹp, có học thức cao, bà là tác giả của nhiều cuốn sách y học, điều chế cùng nhiều môn khoa học tự nhiên khác. Bà có thể nói được ít nhất 7 ngôn ngữ. Theo tư liệu của nhà sử học Plutarch người Hy Lạp, giọng nói của bà "thành thót như nhạc cụ, có thể nhẹ nhàng chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác".

Người ta đồn mỗi ngày bà tắm trong sữa của 700 con lừa và dê để bảo vệ sắc đẹp và tuổi thanh xuân. Am hiểu tâm sinh lý con người, Cleopatra biết sức mạnh của mùi hương trong chuyện phòng the. Nhiều tư liệu ghi lại việc bà điều chế ra một loại tinh dầu đặc biệt từ hơn 10 loài hoa, có tác dụng như tình dược làm mê hoặc đàn ông. Khi Cleopatra lần đầu xuất hiện trước mặt hoàng đế Caesar trong tấm thảm, chính hương thơm từ cơ thể bà đã khiến ông bị hấp dẫn.

Có rất nhiều lời đồn đãi xung quanh chuyện phòng the của Nữ hoàng

Cleopatra đã có người yêu đầu tiên ở tuổi mười hai, thậm chí còn cho xây dựng một ngôi đền để giữ những người tình của mình đắm chìm trong tình dược. Bà có tới 100 tình nhân mỗi đêm, ngủ với nô lệ, và cho giết những người làm phật ý mình ngay sau đêm ân ái. Nguồn gốc của những câu chuyện này là từ người La Mã, những kẻ muốn miêu tả hình tượng Cleopatra xấu nhất có thể. Bà phải chịu đựng tai tiếng là một kẻ hoang dâm vô độ qua nhiều năm.

Những người tình nổi tiếng và quyền lực của Cleopatra

Khi Cleopatra mười tám tuổi, cha bà qua đời và trao quyền cai trị Ai Cập cho bà cùng em trai 10 tuổi Ptolemy XIII. Tuy nhiên, em trai trở nên tham vọng, đuổi Cleopatra khỏi cung điện và trở thành Pharaoh, người cai trị duy nhất.

 

Caesar tự tay mình đưa Cleopatra lên ngôi vị Pharaoh.

Năm 48 TCN, vị lãnh tụ nổi tiếng của La Mã là Julius Caesar đã đến Ai Cập. Cleopatra cuộn mình trong một tấm thảm để lẻn vào cung điện của ông. Cleopatra gặp Caesar và thuyết phục ông giúp mình giành lại ngai vàng. Caesar đánh bại quân đội của Ptolemy, giúp Cleopatra lấy lại quyền lực.

Julius Caesar nhanh chóng sa vào lưới tình với Cleopatra. Họ có một đứa con tên là Caesarion. Khi Julius Caesar quay về La Mã, Cleopatra cùng con đã đi theo và ở lại một trong những cung điện của Caesar.

Bằng trí tuệ và sắc đẹp, Cleopatra đã thành công chinh phục người đàn ông quyền lực nhất La Mã.

Giới quý tộc La Mã không biết phải làm gì với bà. Họ hoảng hốt và bối rối vì sự có mặt của Nữ hoàng Ai Cập ở La Mã, nhưng vẫn bị mê hoặc bởi người phụ nữ tài giỏi này. Sự quyến rũ của Cleopatra đã chinh phục họ, và nhiều thành viên thuộc tầng lớp thượng lưu ở La Mã thường ghé qua và tỏ lòng tôn kính với bà.

Năm 44 TCN, Julius Caesar bị ám sát, Cleopatra trở về Ai Cập. Hai nhà lãnh đạo nổi lên ở La Mã là Marc Antony và Octavian. Antony ngay lập tức phải lòng Cleopatra sau lần gặp đầu tiên. Bị tình cảm chi phối, ông quyết định ở lại Ai Cập với Cleopatra.

Người La Mã e ngại Cleopatra lợi dụng Antony để thôn tính La Mã.

Cleopatra muốn con trai mình là Caesarion trở thành người thừa kế của Caesar và cuối cùng chiếm lấy ngôi vị cai trị La Mã. Bà hy vọng Marc Antony có thể giúp mình làm được điều đó.

 

Cái chết của Nữ hoàng

Cleopatra và Marc Antony liên minh chống lại Octavian, nhưng đã bị đánh bại và phải rút quân về Ai Cập. Khi nghe được lời đồn sai lệch rằng Cleopatra đã chết, Antony tự sát. Nghe tin Antony không còn nữa, Cleopatra đau đớn, chỉ muốn được chôn cùng người yêu của mình.

Cleopatra tự sát để được ở bên người mình yêu.

Bà để một con rắn độc cắn mình và qua đời ở tuổi 39. Octavian chiếm lấy quyền cai trị, biến Ai Cập thành một phần của Đế chế La Mã. Cái chết của Cleopatra đã chấm dứt triều đại Ptolemy và đế chế Ai Cập. Bà là vị Pharaoh cuối cùng trong lịch sử.

Nhà sử học Dio Cassius nhận xét: "Hai người đàn ông La Mã vĩ đại nhất thời bấy giờ phải quỳ dưới chân Cleopatra, còn người đàn ông thứ ba lại khiến bà tự huỷ hoại mình."

Nên đọc
Theo Khám phá
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo