Nữ nhân viên taxi bị ám ảnh vì phó TGĐ VietABank chĩa súng vào mặt
Liên quan đến vụ ông Trần Thái Hòa (47 tuổi) - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) chĩa súng vào mặt nữ nhân viên taxi Mai Linh, trao đổi với Thanh Niên Online sáng 12.4, chị Huỳnh Thị Thanh Vy cho biết vẫn chưa đi làm lại vì vẫn còn bị ám ảnh.
“Hình ảnh cây súng chĩa thẳng vào miệng vẫn ám ảnh tôi nên tôi xin nghỉ ở nhà”, chị Vy nói. Cũng theo chị Vy, từ khi vụ việc xảy ra, công an vẫn chưa mời chị lên làm việc lần nào.
Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 11.4, đại diện VietABank thông tin: Ông Hòa có ý muốn đỗ ô tô trên đường Phạm Văn Nghị (quận 7, TP.HCM), nhưng nhân viên Mai Linh yêu cầu đi nơi khác vì cho rằng khu vực này chỉ cho taxi đậu. Lúc tranh cãi, do có nhiều nhân viên Mai Linh nên ông Hòa trong lúc hoảng loạn đã mang súng bắn đạn cao su ra.
Liên quan đến khẩu súng này, theo đại diện VietABank, súng này VietABank cấp hỗ trợ ông Hòa, do đặc thù công việc được phân công. Sau vài phút, khi ý thức được việc rút súng ra là không đúng, ông Hòa đã nhanh chóng cất súng vào.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM, súng cao su mà ông Trần Thanh Hòa sử dụng là công cụ hỗ trợ được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh này, người sử dụng phải có đủ tiêu chuẩn: có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe phù hợp; được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng vũ khí và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng vũ khí.
Về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ được quy định chi tiết tại Điều 24 Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 5.4.2012 quy định: “Cơ quan, đơn vị khi được phép trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ phải mở hồ sơ, sổ sách theo dõi. Công cụ hỗ trợ khi mang ra sử dụng phải được thủ trưởng cho phép và ghi vào hồ sơ của cơ quan, đơn vị”; “người được cơ quan, đơn vị giao công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng. Khi đi công tác có mang theo công cụ hỗ trợ phải kèm giấy phép sử dụng. Trường hợp do yêu cầu công tác, chiến đấu, được cơ quan, đơn vị cho phép mang về nhà riêng phải cất giữ cẩn thận, bảo đảm an toàn. Khi hoàn thành nhiệm vụ, người được giao công cụ hỗ trợ phải bàn giao cho người có trách nhiệm bảo quản công cụ hỗ trợ…”.
Như vậy, theo luật sư Hưng để có cơ sở xác định trách nhiệm, trước hết cần làm rõ ông Hòa có đủ tiêu chuẩn sử dụng súng, có quản lý, sử dụng theo đúng quy định hay không. Từ đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo