Nữ tài xế "xinh đẹp" dùng tiền lẻ qua trạm thu phí Quốc lộ 5 của VIDIFI
Theo đó, ngày 28/8 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện status và đoạn clip ghi lại việc một nữ tài xế sử dụng các tờ tiền lẻ có mệnh giá 500, 1.000 đồng để trả cho nhân viên thu phí khi đi qua trạm BOT trên đường Quốc lộ 5 đoạn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Thời gian đếm tiền và đi qua trạm mất gần 2 phút.
Nữ tài xế tên M.P. cho hay, nhà chị ở khu vực Phố Nối, cách trạm thu phí này không xa, và cũng thường xuyên đi qua đây nên rất bức xúc trước việc trạm BOT này “móc túi” người dân. Đơn cử như chuyện từ nhà tới cơ quan chỉ khoảng 9 km, nhưng 1 ngày chị mất ít nhất 80 nghìn đồng cho trạm thu phí này. Đó là chưa kể tới những ngày gia đình có việc, phải chạy đi chạy lại.
Thậm chí, chị M.P. còn hài hước kể câu chuyện đi ăn một bát phở tại quán mình thích (bên kia trạm thu phí), chỉ mất 25 nghìn đồng, nhưng phải trả thêm 80 nghìn đồng tiền phí.
Theo chị M.P., địa điểm đặt trạm BOT này và giá thu phí rất bất hợp lý, liên tục tăng “chóng mặt” trong những năm qua. Ban đầu là 10 nghìn đồng/ lượt xe 4 chỗ, nhưng năm 2015 đã tăng lên 30 nghìn đồng; năm 2016 tăng lên 45 nghìn đồng và từ 20/11/2016.
Chị M.P. cho biết, thông qua hành động này, chị muốn kêu gọi nhiều tài xế khác cùng lên tiếng, hành động để phản đối cách thu phí bất hợp lý.
Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện qua lại. Với tổng chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có tới 02 trạm thu phí tại đầu Hưng Yên và đầu Hải Phòng, lái xe cũng không có lựa chọn đi đường nào khác nếu không muốn trả phí.
Hiện tại Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đang quản lý, thu phí tại 02 trạm này. Tuy nhiên, đơn vị này không liên quan tới việc đầu tư, xây dựng dự án.
Năm 2013, Bộ GTVT vẫn phải vay 794 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5, với lãi suất bằng với dự án đường BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Nguồn vốn trả nợ, 50% vốn vay và lãi suất được lấy từ 02 trạm thu phí trên QL5, số còn lại lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ.
Như vậy, ngoài phí bảo trì đường bộ phải đóng hàng năm, người dân tiếp tục phải trả thêm một lần phí khi đi qua 02 trạm thu phí, chỉ trong khoảng cách gần 100 km.
End of content
Không có tin nào tiếp theo