Xã hội

Nực cười luận điệu của Đại sứ TQ ở Thái Lan

Nếu Đại sứ Ninh chịu khó bỏ chút thời gian đọc tài liệu cơ bản về luật biển thì sẽ biết là cả cái gọi là “vùng biển 17 hải lý” của bãi đá Tri Tôn lẫn “đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa” mà TQ vẽ ra đều đi ngược Công ước LHQ về Luật Biển.

Tàu TQ to lớn luôn chủ động gây áp lực cho tàu VN

Trong bài viết trên tờ Matichon ngày 23/6, Đại sứ TQ tại Thái Lan Ninh Phú Khôi (Ning Fuikui) khi biện minh cho những hành động sai trái của TQ như đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, chủ ý đâm va, làm chìm tàu VN, đã không ngần ngại xuyên tạc, bịa đặt, đổ lỗi choVN nhằm bóp méo sự thật.

Vậy những sự thật nào đang được Đại sứ Ninh cố gắng che giấu?
 
Hoàng Sa không bao giờ là của TQ
 
Trước hết, việc Đại sứ Ninh cố ý úp mở về một số tài liệu của Chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa trước năm 1974 để nói VN đã công nhận chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa là hành động xuyên tạc lịch sử.
 
Theo Hiệp định Geneva năm 1954, VN Dân chủ Cộng hòa được giao quản lý phần lãnh thổ miền Bắc VN từ vĩ tuyến 17 trở ra, không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một bên tham gia Hội nghị Geneva, hiển nhiên TQ đã biết rất rõ điều này.
 
Cần nhớ rằng, VN là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Ít nhất kể từ thế kỷ 17, khi vùng lãnh thổ này còn vô chủ, các chúa Nguyễn của VN đã thành lập các đội dân binh, gọi là đội Hoàng Sa, để cai quản và khai thác quần đảo Hoàng Sa.
 
Trong khi đó, TQ đã phủ nhận ý định thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi vào năm 1898, sau sự kiện tàu Bellona và Himeji Maru đắm tại Hoàng Sa bị ngư dân TQ cướp tài sản, Phó vương Quảng Đông đã tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, không thuộc về TQ, không có liên quan gì về mặt hành chính đối với bất cứ quận nào của Hải Nam và không cơ quan nào có trách nhiệm kiểm soát khu vực này.
 
Mặt khác, nhiều tài liệu của TQ, như Hải ngoại Kỷ sự (Haiwai jishi) năm 1696 hay Hải Lục (Hailu) năm 1820 đã công nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
 
Các Hội nghị Cairo năm 1943 và Potsdam năm 1945 mà TQ là một bên tham dự đã yêu cầu Nhật Bản phải trả lại các đảo trong Thái Bình Dương đã cưỡng chiếm trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo đó, các lãnh thổ Nhật Bản phải trả TQ là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Không có bất cứ tài liệu quốc tế liên quan nào ghi rằng TQ giành lại Hoàng Sa từ Nhật Bản năm 1946, như luận điệu của Đại sứ Ninh.
 
Đặc biệt, tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đề xuất yêu cầu Nhật Bản nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa đã bị bác bỏ với 46 phiếu chống. Cũng tại Hội nghị này, Trưởng đoàn VN, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất kỳ phản đối nào của 51 nước tham dự.
 
Năm 1956, TQ đã sử dụng vũ lực đánh chiếm khu vực phía Đông và năm 1974, chiếm khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của VN. Hành động này đã vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác, một nguyên tắc mang tính mệnh lệnh của luật pháp quốc tế.
 
Xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN
 
Mặc dù đã cố ý đánh lạc hướng dư luận sang vấn đề chủ quyền, Đại sứ Ninh cũng không thể làm thay đổi được một sự thật khác. Đó là, dù diễn giải theo bất cứ cách nào thì giàn khoan của TQ vẫn hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.
 
Nếu Đại sứ Ninh chịu khó bỏ chút thời gian ra đọc một số tài liệu cơ bản về luật biển thì sẽ biết là cả cái gọi là “vùng biển 17 hải lý” của bãi đá Tri Tôn lẫn“đường cơ sở quần đảo Hoàng Sa” mà TQ vẽ ra đều đi ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
 
Vì thế, với việc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan tại khu vực có vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN từ 60-80 hải lý, TQ đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN.
 
Chính Đại sứ Ninh đã thú nhận là TQ đã nhiều lần xâm phạm các vùng biển của VN này để tiến hành đơn phương khảo sát. Những lần như vậy, VN đã đưa tàu thực thi pháp luật tới cảnh báo, xua đuổi tàu và giàn khoan TQ hoạt động bất hợp pháp, đồng thời gửi công hàm ngoại giao phản đối.
 
Đại sứ Ninh cũng tự cho phép mình đưa ra những vu cáo không dựa trên bất cứ bằng cớ nào. Ông Ninh lớn tiếng nói rằng VN cử người nhái đến khu vực hạ đặt giàn khoan, rằng tàu VN đã đâm tàu TQ1416 lần, nhưng cả ông Đại sứ lẫn chính quyền TQ đều không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố sai trái nói trên.
 
Thật nực cười khi Đại sứ Ninh nhắc tới “một lượng lớn chướng ngại vật, trong đó có lưới đánh cá và các vật trôi nổi” trên biển để công kích VN. Đó không là gì khác ngoài những bộ phận, vật dụng rơi ra từ tàu VN sau khi bị tàu TQ tấn công và đây cũng chính là những bằng chứng rõ ràng về sự hung hãn của tàu TQ.
 
Phớt lờ thiện chí của VN
 
Cho tới nay, VN đã tiến hành hơn 30 cuộc trao đổi với phía TQ ở tất cả các cấp, gần đây nhất Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã mời uỷ viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì tới Hà Nội trao đổi. Tuy nhiên, cho đến nay, phía TQ vẫn kiên quyết từ chối rút giàn khoan và đàm phán thực chất với VN để ổn định tình hình.
 
Ngài Đại sứ hẳn không quên ngay trước khi TQ đơn phương tiến hành khoan thăm dò, VN và TQ đã lập nhóm thảo luận hợp tác cùng phát triển trên biển.
 
Có vẻ như Đại sứ Ninh rất thích trích dẫn ngạn ngữ.Vậy cũng xin kết thúc bài viết này bằng việc trích dẫn một câu ngạn ngữ TQ “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. TQ nên tự hỏi vì sao mình lại bị dư luận quốc tế lên án như thế hơn là trách cứ, bắt bẻ cộng đồng quốc tế một cách vô căn cứ.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo