Quốc tế

Nước Anh sẽ rời EU trước tháng 9/2017

(DNVN) - Nước Anh có thể rời Liên minh Châu Âu (EU) trước tháng 9/2017.

Theo VOV, ngày 1/10, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, nước này sẽ kích hoạt Điều khoản 50 để bắt đầu quá trình chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu vào trước tháng 9/2017. Thủ tướng Anh Theresa May cũng cho biết, nước này sẽ loại trừ một cuộc tổng tuyển cử sớm vì theo bà nó sẽ gây bất ổn cho đất nước.

Tại Anh ngày 23/6 đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của đất nước trong EU. Theo dữ liệu chính thức, phương án đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) được phần lớn người Anh ủng hộ (51,9%).

Theo đánh giá, việc Anh rời khỏi EU sẽ là cú giáng mạnh với liên minh kinh tế chính trị lớn nhất thế giới hiện nay với gần nửa tỷ người, chấm dứt mối liên hệ giữa Anh với cựu lục địa suốt 40 năm qua.

Nước Anh sẽ rời EU trước tháng 9/2017.

Theo đánh giá, sự ra đi của Anh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến Vương quốc Anh mà còn tác động tới kinh tế thế giới nói chung.

Hiện nay, Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới (chiếm 4% GDP toàn cầu) và lớn thứ 2 trong EU (chiếm 18% GDP của EU). Thương mại của Anh cũng đứng thứ 5 trên thế giới (chiếm 3% tổng giá trị thương mại toàn cầu) và đứng thứ 2 trong EU (chiếm 10% tổng giá trị thương mại của EU).

Những thỏa thuận còn chưa rõ mà Anh sẽ tiến hành để rời EU dự báo gây ra những biến động trên thị trường tài chính. Điều này tạo sức ép đối với đồng Bảng, đồng Euro gây ra sự bất ổn tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Âu. Do đó, các nhà hoạch định chính sách, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ có kế hoạch dự phòng để đối phó với biến động của thị trường tài chính. 

Đối với EU, sự ra đi của Anh, một trung tâm tài chính hàng đầu và là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh ở EU, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của EU. Ở cấp độ Liên minh, EU sẽ thiếu vắng một người ủng hộ quan trọng đối với tự do hóa thương mại, dịch vụ. Ở cấp độ quốc gia, các nước có liên kết tài chính, thương mại, đầu tư với Anh là Ireland, Hà Lan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nghiêm trọng hơn, sự ra đi của Anh có thể dẫn đến một hiệu ứng domino, đe dọa toàn EU khi thúc đẩy một số quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Thậm chí nếu không có bất kỳ quốc gia nào khác chọn ra đi nhưng nó sẽ dấy lên quan điểm chống EU, điều này cũng sẽ gây trở ngại cho tiến trình hội nhập và phát triển của Liên minh. 

 

Nên đọc
Hòa Hậu (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo