Nước biển dâng, dọa xóa sổ đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa công bố kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất của Việt Nam. Đây là cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương xây dựng, rà soát các chương trình, kế hoạch để ứng phó.
Thời tiết dị thường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết kịch bản biến đổi khí hậu lần này được cập nhật trên cơ sở phiên bản 2009 (chủ yếu dựa trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước) nhưng được xây dựng trên cơ sở khoa học và số liệu đo đạc thực tế tại 200 trạm khí tượng, 17 trạm hải văn, số liệu quan trắc từ vệ tinh và số liệu tính toán từ các mô hình khác nhau.
Bên cạnh đó, các kịch bản về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng được tính toán chi tiết đến từng khu vực nhỏ, đặc biệt là các vùng ven biển. Thời kỳ dùng để so sánh sự thay đổi khí hậu là năm 1980 - 1999, cập nhật theo giai đoạn trong báo cáo lần 4 của liên bang Chính phủ về biến đổi khí hậu (liên bang của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc).
So với phiên bản 2009, kịch bản cập nhật mô tả biến đổi khí hậu mới có phần “xấu” hơn. Chẳng hạn, mức tăng nhiệt độ trung bình năm ở các khu vực thuộc Bắc Trung Bộ có thể tới 3,50C (trong khi phiên bản 2009 chỉ có 2,80C) hoặc lượng mưa mùa khô cả nước có thể giảm đến 30% (phiên bản 2009 chỉ là 18%).
Cụ thể, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình tăng 2-30C, riêng Hà Tĩnh đến Quảng Trị, nhiệt độ tăng nhanh so với cả nước khoảng 3,10C- 3,40C. Số ngày nắng nóng (nhiệt độ trên 350C) tăng từ 10 - 20 trên cả nước. Lượng mưa tăng 2% - 7%/năm, riêng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chỉ tăng dưới 3%.
Nên phân kỳ thực hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị các bộ, ngành và địa phương sớm cập nhật kịch bản mới vào các chương trình, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cụ thể. |
Đáng lo ngại là lượng mưa có xu hướng giảm vào mùa khô và tăng trong mùa mưa, thậm chí các khu vực khác nhau có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi kỷ lục hiện nay. Khí áp tăng trên toàn lãnh thổ đất liền và biển Đông nhưng độ ẩm lại giảm, nhất là khu vực Đông Bắc Bộ và Nam Bộ.
Ngoại thành TP. Hồ Chí Minh sẽ ngập nặng
Tác động của biến đổi khí hậu được chia thành 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao, dựa trên cấp độ phát thải nhà kính, cũng đồng nghĩa với sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Theo kịch bản phát thải trung bình, nếu mực nước biển dâng 1 m thì 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh và 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập. Tỉ lệ dân số bị ảnh hưởng của từng khu vực nói trên lần lượt là 7%, 9%, 9% và 35%.
Nước biển dâng sẽ khiến trên 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống quốc lộ và 12% hệ thống tỉnh lộ bị ảnh hưởng. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang có nguy cơ ngập phần lớn diện tích. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngập nặng sẽ xảy ra trên địa bàn các quận 2, 9, Bình Tân và huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Trường hợp lượng phát thải thế giới và Việt Nam quá cao, biến đổi khí hậu diễn biến theo chiều hướng xấu hơn dẫn đến mực nước biển dâng 2 m. Khi đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ gần như bị “xóa sổ” với diện tích ngập hơn 92%. Hai đầu mối phát triển kinh tế đồng bằng sông Hồng và khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng ngập nặng từ 30% - 36% diện tích.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo