Xã hội

Nước mắt chính trị gia Việt nam

Thêm một lãnh đạo bộ lại phải rơi nước mắt khi chứng kiến cái cảnh mà lẽ ra không được phép xảy ra trong ngành. Đặc biệt đó lại là ngành giáo, cái ngành cao quý được cả xã hội tin tưởng giao phó trọng trách lớn "dạy chữ, dạy người" thì lại càng không nên xảy ra.

Trẻ bị bạo hành, thứ trưởng rơi nước mắt

 Hành vi bóp cổ, tát, dốc đầu bé vào thùng phi đựng nước vì trẻ không chịu ăn tại trường mầm non tư thục Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM được công bố ngày 17/12 đã khiến Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phải rơi nước mắt. 
 
Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM kiểm tra, phối hợp với chính quyền UBND quận Thủ Đức báo cáo Bộ GD-ĐT.
 
Các cô bảo mẫu ở trường mầm non tư thục Phương Anh
 
Không rõ giọt nước mắt ấy là bà đau chung cho nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ có con gửi tại đây hay bà đau cho nỗi đau cùng là đồng nghiệp mà lại có hành vi tàn nhẫn, vô lương.
 
Nhưng dù nói gì giọt nước mắt của Thứ trưởng cũng không thể giúp cháu bé không bị chịu đủ thứ đòn, không bị hành hạ dã man. Đau xót hơn, đó chỉ là những đứa trẻ nói còn chưa sõi, ăn chưa gọn cần biết bao sự chăm sóc, vỗ về. Giọt nước mắt của Thứ trưởng có khiến các cháu bé vơi đi cơn ác mộng mang tên trường học, cô giáo?
 
Theo bà Nghĩa thông tin, đây là nhóm lớp chưa được cấp phép. Dù cô Phương (chủ nhóm lớp) có trình độ đại học mầm non nhưng cô Thiên Lý và cô Điều chưa qua đào tạo. Và họ vẫn treo biển và lén lút đón nhận trẻ. Mặc dù bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, các cá nhân liên quan đến vụ việc này tùy mức độ vi phạm đã bị đề nghị xử lý hình sự, kiểm điểm công tác quản lý trên địa bàn.
 
Bà Nghĩa bày tỏ: “Để xảy ra sự việc có trách nhiệm của địa phương khi chưa kiểm soát được tình trạng này… Qua đây, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương và đặc biệt ở các khu công nghiệp phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh. Nhiều người mở lớp mầm non chỉ để kinh doanh mà không quan tâm tâm lý, tình cảm, nhu cầu của trẻ”.
 
Về biện pháp khắc phục lâu dài, Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị Chính phủ, các địa phương khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, chế xuất nhất định phải có trường lớp cho trẻ mầm non. Với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét điều chỉnh nâng cao trình độ của chủ nhóm lớp.
 
Nhưng Bộ GD-ĐT cũng phải nhìn nhận lại rằng, năm 2013 đã xảy ra không ít những vụ việc tương tự và tất cả đều không phép, hoạt động trái pháp luật nhưng rồi những vụ việc đau lòng như này lại vẫn tiếp tục tái diễn... Tại sao lại như vậy, Bộ GD-ĐT đã trả lời được câu hỏi này chưa? Giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra lẽ ra phải có từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến những vụ việc như thế này mới có.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xúc động rơi nước mắt
 
Cũng là phút xúc động rơi nước mắt, nhưng may mắn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận rơi nước mắt vì xúc động trước tấm lòng của những nhà hảo tâm đã hết lòng giúp đỡ các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo có được cơ hội học tập miễn phí. 
 
“Có nhà sư dạy tốt không kém thậm chí hơn nhiều nhà giáo, kể cả về đạo đức. Dịp rảnh tôi vào nghe các thầy dạy. Họ không biết tôi là ai. Nghe xong lên hỏi chuyện mà rơi nước mắt. Để thấy rằng học sư phạm có khi giảng không hay, không chạm được đến trái tim học trò.....", bộ trưởng chia sẻ tại buổi thăm lớp học hy vọng ở BV Nhi Trung ương. 
 
Tại đây, ông đã gửi lời cảm ơn các thầy cô đã quan tâm tới việc học của các cháu. Trong khi cùng là đồng nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lại phải rơi nước mắt vì xót xa, bất lực.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế rơi nước mắt vụ Cát Tường
 
Vụ việc TMV Cát Tường vứt xác nạn nhân tới giờ vẫn khiến dư luận bàng hoàng. Hành động phi nhân tính của bác sĩ được coi là có chuyên môn giỏi, nhân thân tốt cũng đã khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải rơm rớm nước mắt. 
 
Bộ trưởng Tiến rơm rớm nước mắt khi nói về vụ việc TMV Cát Tường
 
Bà cho biết, rất đau đớn, xót xa và đang tìm mọi giải pháp với mọi chuyên gia để giải quyết việc này. 
 
Cũng giống ngành giáo dục, việc TMV gây chết người không phải lần đầu mới xảy ra, nhưng cứ sau mỗi vụ việc lại rầm rộ thanh tra, kiểm tra rồi đâu lại vào đấy. 
 
Chỉ đến khi có những vụ việc đau lòng như thế này mới thấy các ngành liên quan lên tiếng, thừa nhận thiếu xót. Họa hoằn có được lời xin lỗi hiếm hoi.
 
"Vấn đề đạo đức nghề nghiệp và y đức thời gian qua phải nói là đáng báo động rất lớn. Chúng tôi cũng rất đau đớn, rất xót xa", Bộ trưởng Y tế bày tỏ.
 
"Chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề, đã cố gắng rất lớn và hiện nay đã ra một loạt văn bản cũng như chỉ thị và tập huấn đến 6.000 người từ cán bộ bệnh viện đến huyện. Thế nhưng cũng cần phải có chế tài và đang xây dựng một thông tư nhưng không chỉ có mỗi ngành y tế mà có lẽ là cả xã hội tập trung hỗ trợ lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người".
 
Vậy làm sao để nước mắt các vị lãnh đạo không phải rơi nữa?
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo