Nước mắt người mẹ trong phiên tòa xét xử đứa con tàn tật gây thảm án ở Thanh Hóa
Sáng 4.6, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm đối với bị can Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1995, trú tại phố Sơn Vạn, phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa). Bản thân bị can là người tàn tật nhưng đã gây ra vụ án giết người buôn đồng nát, cướp tài sản chấn động dư luận cuối năm 2013.
Ngồi ở hàng nghế phía sau, bà Lê Thị Tiện (mẹ bị cáo) liên tục lấy vạt áo lau nước mắt. Cũng chỉ vì từ nhỏ ông bà không uốn nắn, dạy bảo Tùng mà nghĩ con tàn tật nên đã nuông chiều mới dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Ân hận muộn màng
Chưa đầy 50 tuổi, khuôn mặt bà Tiện khắc khổ, đen đúa, nom già trước đến hơn chục tuổi. Còn đối với hung thủ Tùng, run rẩy khi nhìn khắp phiên tòa, hết nhìn HĐXX rồi lại quay về phía sau tìm mẹ. Sau những ngày bị giam giữ, hắn càng sợ sệt hơn. HĐXX hỏi gì hắn cũng gật đầu và biểu hiện bằng một số cử chỉ ngô nghê.
Khi được tòa hỏi, người mẹ khốn khổ ấy khai: “Con tôi có biểu hiện thần kinh không bình thường từ nhỏ. Nó không học hành, không làm được việc gì. Mặc dù đã hơn 18 tuổi nhưng suốt ngày nó chơi với trẻ dưới 10 tuổi. Mỗi khi đòi ăn cơm với thịt, nó lại chỉ vào con lợn và nói “éc, éc”. Vì không nói được và chậm hiểu nên mỗi khi yêu cầu nó làm việc gì, gia đình đều phải trực tiếp chỉ vào để nó hiểu. Có lần giao việc cho nó đi chăn bò đều phải kéo ra và chỉ tay vào con bò và nói “bò nhé”. Những lần như vậy, nó cũng chỉ gật đầu mà không nói được. Có hôm chăn bò nhưng mải chơi nên bò đi đâu, lúc nào nó cũng không biết”.
Bị can Nguyễn Ngọc Tùng là đối tượng có nhược điểm về thể chất, chỉ phát âm được một đến hai từ, lãng tai, nên quá trình khai báo phạm tội chỉ thông qua cử chỉ, ký hiệu. Vì vậy, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải nhờ sự hỗ trợ của giáo viên Trường Trung cấp nghề thanh thiếu niên khó khăn Thanh Hóa để làm rõ những ngôn ngữ ký hiệu của Tùng. Mặt khác, Tùng có biểu hiện thần kinh không bình thường trước, trong và sau khi gây án. Giám định pháp y tâm thần đối với bị can đã xác định Tùng “hạn chế về năng lực trách nhiệm hành vi”.
Để mong có được sự khoan hồng của pháp luật, để con có thể trở về, người mẹ ấy đã phải bán cả con bò, tài sản duy nhất trong gia đình rồi vay nặng lãi để có được 60 triệu bồi thường cho gia đình bị hại. “Con bò là nó (Tùng - PV) hay đi giữ, giờ nó vào tù thì bán để cứu nó. Không biết sắp tới sẽ ra sao khi mỗi tháng trả lãi 5 triệu đồng”. Nói rồi bà thở dài, hai hàng nước mắt lại lăn trên khuôn mặt đen đúa, tội nghiệp.
Cái giá quá đắt
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, vào sáng 28.12.2013 chị Hoàng Thị H (SN 1973, xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) đến phố Sơn Vạn, phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa để mua phế liệu thì gặp Tùng. Tùng thấy chị H có ví đựng tiền nên nảy sinh ý định giết chị để cướp tiền.
Để thực hiện ý đồ cướp tiền của người buôn đồng nát, Tùng đã mang theo một con dao nhọn rồi đạp xe ra đoạn đê sông Mã gần nhà để đón đường chị H. Đến đoạn nghĩa trang gần đê, Tùng dừng ở đây để đợi chị H đến. Khoảng 11h30 cùng ngày, chị H đi xe đạp chở theo khoảng 20kg bìa giấy đi đến nơi thì gặp Tùng. Hắn dùng dao nhọn chuẩn bị từ trước và đá tấn công chị H. Bị tấn công bất ngờ, chị H vứt xe, cầm nón, chạy nhào về phía chân đê. Tùng đuổi theo đến nghĩa trang thì tiếp cận được nạn nhân. Trong cơn “say máu” hắn đã dùng dao đâm, chém liên tiếp vào người, mặt, cổ… và nhặt cục đá to đập lia lịa vào mặt nạn nhân cho tới khi tắt thở. Thấy chị H không cử động, Tùng lục soát người buôn đồng nát xấu số lấy đi một ví da.
Sau khi lấy ví da, Tùng ném con dao gây án xuống ruộng nước ngay sát nghĩa trang rồi đạp xe về phía đường dân sinh. Đi đoạn một đoạn chừng nửa cây số, Tùng dừng lại móc ví lấy đi giấy tờ và tiền, còn vứt ví lại mái đê. Đi được một đoạn, hắn dừng xe, cất giấu toàn bộ giấy tờ của chị H ở rìa đường rồi đặt viên gạch đè lên. Dù vừa giết người xong, Tùng trở về nhà vẫn ăn cơm bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Ăn cơm xong, Tùng ra sau nhà một lúc rồi lên giường ngủ cho đến khi công an ập vào bắt giữ.
Qua tìm hiểu được biết, nạn nhân có hai người con, một trai, một gái. Hiện hai người con chị đang tuổi ăn, tuổi học. Ngoài công việc chính làm đồng ruộng, chị H còn tranh thủ đi thu mua phế liệu từ các nơi bán lấy tiền nuôi con ăn học. Chồng chị hàng ngày cũng tranh thủ làm nghề thợ mộc để kiếm thêm thu nhập. Ngoài việc nhà, chị H còn là một trong những cán bộ thôn năng nổ, tháo vát. Chị đã từng làm cán bộ y tế thôn, trưởng ban chi hội phụ nữ. Khi bị sát hại chị đang giữ chức Bí thư chi bộ thôn.
Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên do bị cáo hạn chế năng lực trách nhiệm hành vi và gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Ngọc Tùng 13 năm tù về tội “Giết người” và 4 năm tù tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.
Thiếu sự giáo dục của gia đình
Qua tìm hiểu được biết, Tùng là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em nhưng từ nhỏ đã bị dị tật như nói ngọng và nghễnh ngãng. Việc Tùng có bị tâm thần không thì người dân không dám khẳng định. “Nó bỏ học từ bé bởi những dị tật như vậy nhưng không hẳn câm điếc bởi nó vẫn nói và nghe được. Trước đó, Tùng chỉ trộm cắp vặt ở trong xóm như xoong nồi, đồ nhôm nhựa nhưng lớn lên hắn tháo cả máy bơm hay những thứ lớn hơn. Dù mọi người nhiều lần báo với bố mẹ và chính quyền địa phương về việc này nhưng ai cũng nghĩ nó tàn tật nên chỉ báo vậy thôi chứ không có ý bắt nó phải đền bù hay chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có thể vì lý do đó mà nó ngày càng làm tới. Việc nó giết người và nhận hình phạt như ngày hôm nay là do gia đình nghĩ nó tàn tật nên nuông chiều mới xảy ra cơ sự như vậy”, một người dân tham gia phiên tòa cho biết.
Được biết, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tiến (45 tuổi, bố Tùng), bà Tiện đều làm nông nghiệp. Bà Tiện ngoài những lúc nông nhàn còn làm thêm nghề buôn bán nên cuộc sống gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc. Tuy nhiên, do nghĩ con bị tàn tật nên ông bà có phần nuông chiều, không dạy bảo uốn nắn kịp thời. Tùng từng trộm cắp đồ vật và mang ra cất dấu ở bụi tre gần nghĩa địa (cách làng 500m và cũng là nơi xảy ra án mạng), rồi tìm thời cơ bán lấy tiền ăn uống. Qua những lần trao đổi, bán mua như thế, Tùng phát hiện những người buôn ve chai thường có tiền mang theo nên tìm cách chiếm đoạt để thỏa mãn thú chơi bời của mình.
Ông Trần Ngọc Khánh - trưởng thôn Sơn Vạn, phường Đông Hải cho biết: “Nguyễn Ngọc Tùng là đối tượng đang được hưởng chế độ 76 của Nhà nước đối với người tàn tật. Tuy nhiên, với hành vi gây ra cái chết thương tâm cho nạn nhân không ai nghĩ Tùng lại có hành động tàn độc như vậy. Dẫu sao đây cũng là bài học đau đớn trong việc quản lý con em của các bậc phụ huynh mà nhất là khi các cháu dù bị tàn tật mà cha mẹ lại buông lỏng không giáo dục”.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo