Nước Mỹ nếm mùi biến đổi khí hậu
Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ cho là “khoa học viễn tưởng”.
Theo AP, nắng nóng vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội khắp 20 bang ở nước Mỹ trong hai ngày cuối tuần qua. Cái nóng hơn 400C làm các con đường cao tốc ở bang Illinois và Wisconsin biến dạng. Tại bang Maryland, một đoàn tàu ở hạt Prince George trật bánh do đường ray bị cong vì nắng nóng. May mắn không ai bị thương.
Ít nhất 42 người đã thiệt mạng do nắng nóng, trong đó có chín người ở Maryland và 10 người ở Chicago, phần lớn là người cao tuổi. Một số người thiệt mạng do trời quá nóng mà nhà lại mất điện. Nhiệt độ ở nhiều thành phố vượt ngưỡng 380C. Thủ đô Washington và các thành phố St.Louis, Indianapolis hứng chịu cái nóng trên 400C.
Thảm họa chồng thảm họa
Hai ngày cuối tuần, nhiều người Mỹ trốn nắng nóng bằng cách trầm mình hàng giờ ở các vòi nước công cộng, đến rạp chiếu phim hoặc vơ vẩn ở nhà ga tàu điện ngầm có điều hòa nhiệt độ. Nhiều người mô tả ra ngoài trời chẳng khác gì chui vào lò nướng. Theo Reuters, Cơ quan dự báo thời tiết Mỹ cho biết các vùng từ trung tây đến miền trung nước Mỹ có thể sẽ phải tiếp tục trải qua những ngày nắng nóng, có khi lên đến 45 độ C, trong vài ngày tới.
Trước đó trong tháng 6, nước Mỹ liên tục hứng chịu nhiều thiên tai dữ dội. Báo Huffington Post cho biết đầu tiên phải kể tới các vụ hỏa hoạn do thời tiết khô và nóng ở bang Colorado. Tổng cộng 35.000ha rừng và 350 ngôi nhà bị thiêu rụi, hơn 36.000 người phải bỏ nhà di tản. Hỏa hoạn đã tàn phá tổng cộng 8.500km2 đất đai trên toàn nước Mỹ.
Sau đó là các trận bão lớn liên tục đánh vào bốn bang Maryland, Ohio, Virginia và Tây Virgina, cướp đi sinh mạng 22 người và làm 3 triệu người rơi vào cảnh mất điện. Hôm 1/7, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố: “Xin lỗi vì các bạn bị mất điện. Chúng tôi cũng vậy”. Từ ngày 2/7, bão nhiệt đới Debby với sức gió 100km/giờ đánh vào Florida, gây mưa lớn và hàng chục trận vòi rồng.
Trong khi đó, thành phố Duluth ở bang Minnesota rơi vào cảnh lụt lội nghiêm trọng, thiệt hại vật chất lên đến 100 triệu USD. Ngược lại, hàng chục bang khác rơi vào cảnh khô hạn chưa từng thấy, đặc biệt là các bang miền tây. Theo Cơ quan giám sát hạn hán Mỹ, khoảng 46,84% diện tích đất Mỹ rơi vào khô hạn từ nhẹ đến nghiêm trọng. “Tình trạng khô hạn đang diễn ra ở tầm quốc gia” - Huffington Post dẫn lời chuyên gia Michael Hayes, giám đốc Trung tâm chống hạn hán quốc gia, khẳng định.
Bộ mặt của biến đổi khí hậu
“Đây là bộ mặt của biến đổi khí hậu ở cấp độ khu vực - tạp chí Time dẫn lời giáo sư khoa học thời tiết Jonathan Overpeck thuộc Đại học Arizona nhận định - Nhiệt độ Trái đất tăng làm tăng nguy cơ nắng nóng, lũ lụt, bão tố, hạn hán... Đó là những gì các nhà khoa học đã cảnh báo từ những năm qua”.
Chuyên gia Kevin Trenberth thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia nhấn mạnh quá nhiều người Mỹ không tin vào sự tồn tại của hiện tượng biến đổi khí hậu, và giờ là lúc họ phải mở lớn mắt.
Từ trước đến nay, nước Mỹ vốn được xem là một quốc gia rất ít có thiện chí trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Washington thường không đồng tình với các hội nghị quốc tế cũng như các văn bản, thỏa thuận hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu. Các nghị sĩ và khoa học gia theo đường lối bảo thủ thường mô tả biến đổi khí hậu là “khoa học viễn tưởng”. Một bộ phận lớn dư luận Mỹ cũng suy nghĩ theo đường lối này.
Tuy nhiên, thiên tai liên tục xảy ra đang khiến người Mỹ phải suy nghĩ lại. Tạp chí Slate cho biết theo kết quả cuộc thăm dò “Thời tiết bất thường, khí hậu và sự chuẩn bị về tinh thần của người Mỹ” do Đại học Yale công bố mới đây, có 51% người dân Mỹ thừa nhận sự tồn tại của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một khảo sát khác cũng của Đại học Yale cho thấy có tới 82% người Mỹ đã trải qua thảm họa tự nhiên trong năm 2011. Một số chuyên gia nhận định nếu các cuộc khảo sát diễn ra trong tuần qua, tỉ lệ người tin vào biến đổi khí hậu sẽ tăng lên trên 70%.
“Biến đổi khí hậu là như vậy đó - chuyên gia Jerry Meehl thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ khẳng định - Và nước Mỹ sẽ còn tiếp tục hứng chịu các thảm họa tự nhiên trong những năm tới”.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo