Quốc tế

Nước Mỹ thế nào sau 8 năm ông Obama làm Tổng thống?

Lên cầm quyền vào lúc kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn đen tối nhất, sau 2nhiệm kỳ Tổng thống, Barack Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng với hơn 50 % tỷ lệ được lòng dân nhờ ông đã vực dậy cỗ xe kinh tế, tạo 15 triệu công việc làm cho người dân.

Năm tháng đen tối đầu nhiệm kỳ

Tháng 1/2009, Barack Hussein Obama chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ. Kinh tế Mỹ suy thoái vì 3 cuộc khủng hoảng: bất động sản, tín dụng địa ốc – subprime; khủng hoảng trong ngành tài chính ngân hàng khi cổ phiếu bị tuột giá, và sự sụp đổ của ngành tài chính đã kéo nền kinh tế thực xuống vực thẳm. Điển hình nhất là cả mảng công nghệ xe hơi của Mỹ bị đe dọa.

Hậu quả trực tiếp từ những biến cố dồn dập nói trên là 8 triệu người lao động mất việc làm, 7 triệu bị tịch biên nhà ở, thị trường địa ốc đóng băng. Lần đầu tiên từ năm 1946, tổng sản phẩm nội địa - GDP của Mỹ trong năm 2009 giảm 2,4 %.

Nhìn đến một chỉ số quan trọng khác là tỷ lệ thất nghiệp, theo thống kê của bộ Lao Động Mỹ, chỉ riêng trong tháng 02/2009, hơn 650.000 chỗ làm bị giải tán, hơn 8 % người lao động không có công việc làm - tỷ lệ tồi tệ nhất từ năm 1983. Đến tháng 11/2009, thất nghiệp ở Mỹ vượt quá ngưỡng tâm lý 10 %. Trong suốt năm đầu tiên của nhiệm kỳ Obama, mỗi tuần hàng chục ngàn người bị sa thải.

Gói kích cầu gần 800 tỷ USD

Trước tình hình nguy kịch đó, tháng 02/2009 tổng thống Obama thông qua kế hoạch kích cầu gần 800 tỷ đô la với mục đích đây phải là « điểm khởi đầu để tạo nên những nền tảng vững chắc, đưa nước Mỹ trở lại với con đường tăng trưởng dài lâu, như chính ông tuyên bố trước khi hạ bút ký sách lệnh cho gói kích cầu đó.

Tại một đất nước có truyền thống theo chủ nghĩa tự do như Mỹ, công luận đã không khỏi chỉ trích chính sách can thiệp vào các hoạt động kinh tế - dù là mang tính chữa cháy - nói trên và cho là tổng thống Barack Obama muốn đi theo thuyết học của Keynes, dùng chi tiêu công cộng để kích thích tiêu thụ và đầu tư.

Một sự kết hợp khéo léo của Obama

Giáo sư Frank Khalifa trường cao đẳng Billières, Toulouse cho rằng, khác với truyền thống trong học thuyết Keynes là thuần túy sử dụng ngân sách để kích cầu, tổng thống Barack Obama đã vận dụng cùng một lúc ngân sách nhà nước và thuyết phục Ngân Hàng Trung Ương nới lỏng chính sách tiền tệ, giữ lãi suất chỉ đạo 0% trong nhiều năm trời.

Tổng thống Obama.

"Thực ra trường phái theo học thuyết của Keynes bắt rễ tại châu Âu. Trong khi đó, Mỹ luôn nghiêng về chủ nghĩa tự do. Ngay cả trong chính sách kích cầu của Mỹ cũng có những khác biệt lớn so với châu Âu. Ở Mỹ, năm 2009, tổng thống Barack Obama đã ban hành kế hoạch kích cầu 787 tỷ USD, tăng ngân sách nhà nước liên bang và bơm khoản tiền đó vào các hoạt động kinh tế, chủ yếu là tăng một loạt các chương trình đầu tư công.

Nhưng đồng thời ông Obama cũng đã thuyết phục được cả Ngân Hàng Trung Ương Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Cả hai biện pháp này cộng lại đã cho phép Hoa Kỳ nhanh chóng phục hồi. Tôi cũng xin lưu ý thêm là trong lúc khu vực đồng euro quy định thâm hụt ngân sách nhà nước không được vượt quá ngưỡng 3 % tổng sản phẩm nội địa, thì nước Mỹ của ông Obama đã mạnh dạn thông báo gói kích cầu gần 800 tỷ USD, tương đương với 20 % ngân sách của cả nước trong năm 2009.

Nhà báo chuyên theo dõi các hồ sơ kinh tế và chính sách đầu tư Laurent Hattchouel cũng cho rằng điểm son của tổng thống Obama là đã thuyết phục được cả Quốc hội lẫn Ngân Hàng Trung Ương chung sức với Nhà Trắng. Lãnh đạo Fed khi đó là thống đốc Ben Bernanke, người được chính quyền Bush bổ nhiệm.

"Thành công rõ rệt nhất của tổng thống Barack Obama là ông đã huy động được cùng lúc cả ngân sách nhà nước lẫn chính sách tiền tệ thuộc quyền hạn của Cục Dự Trữ Liên Bang, tức là Ngân Hàng Trung Ương. Thuyết phục được Quốc Hội lưỡng viện thông qua một gói kích cầu gần 800 tỷ đô la hồi năm 2009 không phải là dễ. Trong số gần 800 tỷ USD nói trên, có tới 500 tỷ là để đầu tư vào các công trình công cộng. Nhờ gói đầu tư quan trọng đó mà các chỉ số kinh tế Mỹ đã khởi sắc sau giai đoạn khó khăn nhất kéo dài trong vòng 18 tháng.

Đừng quên là đầu năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên tới gần 11 %. Giờ đây, hai tháng trước khi ông Obama rời Nhà Trắng, chỉ còn có 5 % dân Mỹ không có việc làm. Các kế hoạch bơm tiền vào cho khu vực kinh tế cũng đã mang lại hiệu quả nhờ các doanh nghiệp chịu đầu tư.

 

Song song với chương trình kích cầu, chính quyền Obama còn làm tất cả để các ngân hàng Mỹ không thiếu thanh khoản, để vẫn có thể cấp vốn cho các doanh nghiệp. Một thành công khác của ông Obama được thể hiện qua thống kê về mức thâm hụt ngân sách của nhà nước: Năm 2009 khi ông lên cầm quyền, bội chi ngân sách của chính quyền liên bang tương đương với 9,8 % GDP, hiện tại, tỷ lệ này rơi xuống còn chưa đầy 3 %. Tuy nhiên, để cứu nguy một cỗ máy kinh tế lớn như của Mỹ, Washington đã phải huy động rất nhiều vốn, khiến nợ công của cả nước tăng lên, đang từ 75 % đầu nhiệm kỳ 1 nay tỷ lệ này tương đương với khoảng 110 % GDP của Mỹ.

Hiệu quả của chính sách Obama

Dù bênh hay chống chính sách kinh tế của ông Obama trong 2 nhiệm kỳ tổng thống sắp bước vào hồi kết, không ai có thể phủ nhận một số các thành tựu sau đây:

Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 11 % năm 2011, nay đã rơi xuống mức tối thiểu là 5 %; 15 triệu công việc làm được tạo ra và cũng nhờ chính sách can thiệp của ông Obama, ngành công nghệ xe hơi Mỹ đã hồi sinh, cứu vãn được từ 1 đến 3 triệu việc làm (tùy theo cách tính toán của các viện nghiên cứu) cho người lao động qua việc quốc hữu hóa 2 tập đoàn GM và Chrysler. 

Nhìn đến chỉ số tăng trưởng, Barack Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng vào lúc GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng trở lại với tỷ lệ trên dưới 3 %. Một điểm son khác trong bảng thành tích của ông Obama là đã thu hẹp thâm hụt ngân sách nhà nước đang từ 9,8 % GDP năm 2009 nay đã giảm xuống còn 3,8 %. Tuy nhiên, cái giá phải trả là tổng nợ công của Mỹ trong 8 năm vừa qua đã tăng 80 %, đang từ 10.600 tỷ đô la nhảy vọt lên thành 19.000 tỷ.

 

Cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng

Với ngành tài chính ngân hàng, đạo luật Dodd Frank được thông qua vào mùa hè 2010, nhưng chỉ chính thức có hiệu lực vào năm 2014, tăng cường các biện pháp giám sát các hoạt động ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm tài chính có mức độ rủi ro cao. Giới quan sát coi đây là một công cụ để chính quyền can thiệp sâu hơn vào lĩnh vực tài chính.

Sau cơn ác mộng năm 2008, các ngân hàng Mỹ được coi là ổn định, các tập đoàn tên tuổi như JP Morgan hay Goldman Sachs đã làm ăn có lãi trở lại. JP Morgan thông báo lãi hơn 24 tỷ đô la. Chủ tịch tổng giám đốc ngân hàng này, Jamie Dimon, đã nhận được một khoản tiền thưởng hơn 25 triệu đô la trong tài khóa 2015.

Sáu năm sau khi Barack Obama tuyên chiến với những khoản tiền thưởng quá lố của các ông vua tài chính, những người được mệnh danh là những con sói của Wall Street lại càng giàu thêm.

Tổng giám đốc Goldman Sachs, Lloyd Blankfein cách nay 8 năm từ chối nhận tiền thưởng trước những trách nhiệm của tập đoàn ngân hàng này trong vụ khủng hoảng subprime, nhưng đến 2016, Blankfein vẫn được coi là một trong ba doanh nhân thế lực nhất. Tháng 4/2016, ông vua tài chính này chấp nhận nộp phạt 5 tỷ đô la để khỏi bị tiếp tục truy tố về trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng địa ốc Mỹ.

 

Trong 8 năm nhiệm kỳ tổng thống Obama, chỉ số chứng khoán Dow Jones và NASDAQ theo thứ tự đã được nhân lên gấp 2 và gấp 3 lần. Nhìn chung, giới tài chính Wall Street có nhiều thiện cảm với Barack Obama.

Obamacare và cái giá chính trị phải trả

Về mặt xã hội, Barack Obama đi vào lịch sử nhờ đạo luật được biết dưới cái tên Obamacare, với ý tưởng nhà nước trợ cấp cho thành phần nghèo khó nhất để mọi người đều được chăm sóc khi đau ốm. Đây là một trong những cam kết của ứng cử viên tổng thống Barack Obama.

Tháng 03/2010, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật gây nhiều tranh cãi này và 4 năm sau, Obamacare chính thức có hiệu lực. Người ủng hộ thì cho rằng đây là một tiến bộ lớn về mặt xã hội. Ngược lại, phe chống đối thì xem luật bảo hiểm mang tên vị tổng thống thứ 44 của Mỹ là một chương trình quá tốn kém.

Cho đến cuối năm 2015, mới chỉ có 20 triệu trên tổng số 320 triệu dân Mỹ đóng bảo hiểm y tế trong khuôn khổ Obamacare, và chỉ có 83 % số người đó được hưởng trợ cấp của chính phủ cho khoản chi tiêu phụ trội nói trên. Thêm một lý do khác để chỉ trích luật bảo hiểm y tế Mỹ là với Obamacare, kinh phí bảo hiểm đã tăng mạnh, sức mua của các hộ gia đình qua đó giảm đi. Theo cơ quan thống kê dân số Mỹ, vẫn còn trên 9 % dân Mỹ không có bảo hiểm y tế. Cũng vì luật bảo hiểm Obamacare mà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2010, đảng Dân Chủ đã thua đậm.

 

Nên đọc
Hòa Hậu (tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo