Nước nào sẽ thống trị kinh tế thế giới 15 năm tới?
Bloomberg ngày 10.4 trích dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay đến năm 2030, Mỹ khó có thể giữ vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới như hiện nay khi chỉ còn góp 20% vào nền kinh tế thế giới với tổng sản lượng kinh tế là 24,8 nghìn tỉ USD.
Dự báo cho biết thị phần kinh tế thế giới của Mỹ giảm từ 25% năm 2006, xuống 23% trong năm nay trước khi chạm đến mốc 20% trong vòng 15 năm tới.
Đối với Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội của nước này sẽ tăng gấp đôi so với năm nay, chạm mốc 22,2 nghìn tỉ USD, rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa nền kinh tế của quốc gia châu Á với Mỹ.
Vào cuối tháng 2 vừa rồi, các nhà kinh tế học được hãng tin Bloomberg khảo sát cũng cho rằng Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay.
Ấn Độ, hiện là nền kinh tế đứng thứ 8 thế giới, sẽ vượt lên Brazil, Anh, Pháp, Đức và Nhật để đứng ở vị trí thứ ba toàn cầu.
Trước đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng gọi Ấn Độ là “điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu”. IMF cho hay nước này sẽ là quốc gia có lực lượng lao động lớn nhất hành tinh và nằm trong nhóm các nước có lao động trẻ nhất thế giới trong vòng 15 năm tới.
Trong khi đó, tình hình kinh tế nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển, không thực sự khả quan. Nhật Bản tăng trưởng thấp và bị hạ một bậc trong thứ tự các nền kinh tế lớn nhất vào năm 2030. Pháp và Ý lần lượt bị hạ 3 và 2 bậc.
Song bức tranh kinh tế các nước trên vẫn sáng sủa hơn của Jamaica, quốc gia có nền kinh tế được dự báo sẽ hạ đến 13 bậc, xuống đứng ở hạng 136. Ngược lại, quốc gia châu Phi Uganda là nước tăng hạng nhiều nhất khi leo lên 18 bậc, đứng ở hạng 91.
20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 theo dự báo trên lần lượt là: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Brazil, Anh, Pháp, Canada, Nga, Ý, Mexico, Indonesia, Úc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Hà Lan và Thụy Sĩ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo