Nước ngầm ô nhiễm
Lâu nay, hàng ngàn hộ dân ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh sử dụng nước giếng khoan do Tổ chức UNICEF tài trợ hoặc tự khoan giếng để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Thế nhưng mọi chuyện đã đổi khác từ khi đại lộ Đông Tây đi ngang qua địa bàn. Ông Tạ Văn Lến - B3/24A ấp 2, xã Tân Kiên nói: “Từ ngày làm xong đại lộ Đông Tây, nước giếng khoan ở khu vực này cũng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, không ai có thể sử dụng để nấu nướng, ăn uống được như trước. Nhiều hộ bỏ giếng cũ, khoan giếng mới nhưng tình trạng cũng không thay đổi. Chẳng hiểu sao mạch nước ngầm khu vực này lại bị ô nhiễm nghiêm trọng như vậy?”. Nếm thử nước vừa được lọc xong từ giếng của ông Lến, nước vừa chạm đầu lưỡi chúng tôi đã muốn nôn ọe vì mùi tanh, mặn rất khó chịu. Ông nói thêm: “Lâu nay chúng tôi chỉ dám dùng nước này để dội cầu, lau nhà chứ giặt cũng không dám, nói gì đến sử dụng cho ăn uống”.
Tình trạng nước giếng ô nhiễm ngày càng nặng cũng diễn ra ở các địa bàn khác. Ông Đặng Văn Điền - hẻm 47 đường số 10, P.9, Q.Gò Vấp bức bách: “Thời gian gần đây, nước giếng khoan ở khu vực chúng tôi chẳng hiểu sao lại bị ô nhiễm nặng, dù đã qua nhiều khâu lọc nhưng vẫn không đạt tiêu chuẩn để uống”. Theo ông Điền, có thể do khu vực này trước đây là trại chăn nuôi bò, heo, trồng rau thời gian dài nên tạp chất ngấm xuống mạch nước ngầm, gây ô nhiễm.
Sống biệt thự, dùng nước phèn
Chỉ vào bức tường vàng khè phía ngoài hồ chứa nước, ông Tư - quản gia của biệt thự số 7/12 Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè nói: “Nước ở hồ lọc văng lên tường thôi đã vàng như thế thì đủ hình dung nước nhiễm phèn nặng thế nào”. Ông Tư cho biết thêm, độ nhiễm phèn, mặn của nước giếng khoan ở đây ngày càng nhiều.
Tại căn biệt thự này, dù khu vực lọc nước lên đến hơn 40 m2 với 5 hồ lọc to nhưng nước lọc xong cũng chỉ dùng cho sinh hoạt chứ không dám uống. Do không nhà nào đủ kinh phí để đầu tư khu lọc nước tốn kém như vậy nên hàng chục hộ dân sống xung quanh căn biệt thự này phải xin câu nước từ đây để sử dụng. Ông Lê Văn Nho - 4/15 Lê Văn Lương - nói: “Chú thấy người dân ở đây dù là con gái, phụ nữ có ai da trắng không? Tắm nước nhiễm phèn, nhiễm mặn mãi thì làm sao trắng nổi?”.
Ở khu vực P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 nhà nào cũng có giếng khoan, nhưng dù độ sâu của giếng lên đến 60 m, qua hệ thống lọc (cát, sỏi, than hoạt tính) thời gian gần đây nhưng nước vẫn còn mùi sình, rất hôi. Anh Nguyễn Văn Hân - người dân phường này cho biết: “Gần đây có nhiều khu công nghiệp xả thải vô tội vạ, kênh rạch ô nhiễm ngày càng nặng, thẩm lậu xuống tầng nước ngầm, vì vậy nước giếng khoan ô nhiễm càng trầm trọng. Với tình cảnh này, không biết tương lai chúng tôi lấy nước ở đâu mà xài”?
95.000 đồng/m3 nước Do nước giếng bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ dân đã phải mua nước sạch để dùng. Ông Tạ Văn Lến - B3/24A ấp 2, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, cho biết trước đây ông và bà con trong xóm phải mua nước từ xe bồn do một tư nhân chở nước từ đường Hậu Giang, Q.6 xuống bán với giá 95.000 đồng/m3. Ngày tết là 100.000 đồng. Mới đây, nhờ một số hộ ở ngoài QL1 đã gắn được đồng hồ nước nên ông và nhiều hộ khác xin gắn đường ống với giá 25.000 đồng/m3. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với hộ cận nghèo như ông. Còn các hộ dân ở Nhà Bè, Gò Vấp, Q,12... thì phải mua nước uống đóng chai với giá 12.000 - 15.000 đồng/bình 20 lít để dùng nấu ăn, uống. Hộ gia đình 4 người xài 1 tuần hết 3 - 4 bình. |
Hồng Lĩnh (Theo Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo