Nước Pháp chia rẽ vì cắt giảm chi tiêu
Sau khi công bố bản kế hoạch ngân sách năm 2013, chính phủ Pháp hồ hởi đánh giá đây là "nỗ lực quan trọng nhất được thực hiện trong vòng 30 năm nay". Nét tích cực trong bản kế hoạch lần này là nó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Tổng thống François Hollande và chính phủ của đảng Xã hội rằng họ đã giữ đúng lời hứa sẽ khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách.
Đầu tiên, phải dành một tràng pháo tay cho quyết tâm của chính phủ Pháp trong việc kiên định theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% trong năm 2013. Suốt từ năm 1974 đến nay, nước Pháp chưa một lần được hưởng niềm vui cân bằng ngân sách. Thậm chí, chặng đường theo đuổi mục tiêu giảm thâm hụt còn gặp phải rất nhiều trắc trở.
Bộ ba quyền lực hiện nay là Tổng thống Hollande, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault cùng Bộ trưởng Tài chính Pierre Moscovici đều nhận thức được rằng uy tín của nước Pháp đang tương đối bấp bênh. Họ đã từng nhiều lần tuyên bố trong những tuần gần đây rằng đất nước sẽ làm tất cả những gì có thể để thực hiện lời hứa của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình tuần vừa qua, Thủ tướng Ayrault đánh giá tầm quan trọng của bản kế hoạch ngân sách không kém gì vấn đề nợ công, bởi nó là một phương tiện hữu ích giúp giảm sự phụ thuộc của Pháp vào thị trường trái phiếu.
Khi công bố kế hoạch tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tổng cộng khoảng 30 tỷ EURO, Bộ trưởng Tài chính Moscovici đã chỉ ra rằng chính phủ của đảng Xã hội đang rất nỗ lực tìm cách "gia cố" nền tài chính nước nhà.
Vấn đề thứ hai, ít được hưởng ứng hơn, là tỷ trọng của các cấu phần trong bản kế hoạch ngân sách. Theo đó, 2/3 số tiền có thể tiết kiệm được đến từ chính sách tăng thuế, và chỉ có 1/3 là nhờ cắt giảm chi tiêu.
Bộ trưởng Tài chính nói thêm rằng bắt đầu từ năm 2014, tỷ trọng này sẽ chuyển thành 50:50. Tuy nhiên, Pháp là một đất nước mà đầu tư công đã chiếm tới 56% GDP, nhiều hơn cả Thụy Điển, trong khi doanh thu thuế cao hơn nhiều so với ở Đức. 20 tỷ EURO tiền thuế tăng lên sẽ chủ yếu do các công ty lớn và những người giàu có "đóng góp".
Pháp lại chuẩn bị áp mức thuế 45% với các khoản thu nhập từ 150.000 EURO trở lên (tương đương 193.000 USD) và cao nhất là 75% đối với thu nhập trên 1 triệu EURO. Jean-Paul Ago, người đứng đầu hãng mỹ phẩm L'Oréal, cho rằng 75% là quá cao và như thế thì quá khó để nước Pháp thu hút được nhân tài. Song tạm thời, các "đại gia" chưa nên quá lo lắng vì mức thuế suất ngất ngưởng này phải đợi 2 năm nữa mới bắt đầu đi vào thực tế. Giáo dục, an ninh và tư pháp phải cắt giảm 10 tỷ EURO chi tiêu, còn lại sẽ dồn hầu hết "trách nhiệm" cho quốc phòng, văn hóa, nông nghiệp và môi trường.
Tuy nhiên, chừng đó nỗ lực và giải pháp dường như là chưa đủ để nước Pháp có thể đạt được mục tiêu 3% trong năm tới. Nguyên nhân là do tăng trưởng đã chững lại và rất ít người, thậm chí ngay bản thân chính phủ Pháp, dám hy vọng GDP năm 2013 có thể tăng 0,8%. Chính phủ mới đã phải một lần điều chỉnh giảm mức dự báo.
Nền kinh tế Pháp vừa trải qua 3 quý liên tiếp giậm chân tại chỗ và nếu cứ tiếp tục tình trạng này trong năm 2013, chính phủ sẽ phải xem xét cắt giảm ngân sách tới 44 tỷ EURO, đồng nghĩa với việc cần có thêm nhiều giải pháp mới tăng cường, bổ sung hoặc buộc phải trì hoãn một thời gian nữa.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Ayrault nhấn mạnh rằng kế hoạch ngân sách 2013 không ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp. Đối tượng duy nhất chịu "thiệt thòi" là những người giàu nhất, chiếm 10% dân số.
Tuy nhiên, ông Ayrault có thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề với phát ngôn của mình. Người dân Pháp thừa hiểu rằng còn nhiều điều khác trong bản kế hoạch ngân sách sẽ tác động tới tất cả mọi người, trong đó có chính sách tăng thuế đánh vào bia và thuốc lá. Ngoài ra, chính phủ cũng đã bỏ phiếu chấm dứt thời kỳ miễn thuế đối với tiền làm ngoài giờ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp lao động làm công ăn lương.
Trong bản kế hoạch ngân sách lần này, sự quyết tâm của chính phủ là đáng ghi nhận. Nhưng một khi còn chưa thể "dốc hết ruột gan", "nói rõ trắng đen" với cử tri ngay từ lúc này thì rất khó để Thủ tướng Ayrault chờ đợi họ "đồng cam cộng khổ" trong tương lai, khi những khó khăn vẫn đang rình rập trước mắt.
Việt Anh (Theo VEF)
End of content
Không có tin nào tiếp theo