Nuôi cá tra theo chuỗi liên kết
Sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ nuôi cá tại An Giang đang bắt đầu làm ăn có lãi khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất do Công ty TNHH Thuận An triển khai.
Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả cao, được kỳ vọng sẽ giúp con cá tra phát triển trở lại.
Công ty TNHH Thuận An bao tiêu cá nguyên liệu cho nông dân tham gia trong chuỗi sản xuất - Ảnh: Đ.Vịnh
Giao 176 tấn cá tra cho Công ty TNHH Thuận An vừa xong, ông Lê Quang Vinh (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cho biết vụ rồi lãi được hơn 250 triệu đồng, nên đang có kế hoạch thả lại giống nuôi vụ mới.
Chỉ cái ao kế bên tới tháng sau sẽ cho thu hoạch với sản lượng khoảng 250 tấn, ông Vinh hồ hởi: “Với giá bán hiện nay 24.500 đồng/kg, tui sẽ có lãi hơn 500 triệu đồng. Cứ đà này chỉ vài năm nữa thôi nông dân tụi tui sẽ gỡ gạc lại khoản thua lỗ trước đây, rồi khá lên mấy hồi”.
Người nuôi cá được “tiếp sức”
Ông Vinh kể gia đình mình vốn gắn bó với nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Từ sau năm 2008, tình hình tiêu thụ khó khăn kéo dài, giá bán cá thường dưới giá thành, qua nhiều năm liên tục thua lỗ, tài sản cứ lần lượt ra đi sau mỗi vụ nuôi. Thấy hàng loạt hộ nuôi bỏ ao, ông cũng tính chuyện bỏ nghề.
Tuy nhiên, khi Công ty Thuận An triển khai chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra vào đầu năm nay, ông thử tìm hiểu rồi đăng ký tham gia. Sau khi đến thẩm định thấy đáp ứng các điều kiện, công ty và Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) An Giang chấp thuận rồi cùng ông ký hợp đồng.
Theo đó, những hộ nuôi trong chuỗi liên kết như ông đều được cung ứng thức ăn, thuốc men cho cá tới cuối vụ, đến lúc thu hoạch được bao tiêu theo giá thị trường.
Sẽ nhân rộng mô hình
Qua giám sát, chúng tôi thấy các hộ nuôi thu hoạch cá xong đều có lợi nhuận khá, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nguồn vốn ngân hàng giải ngân sử dụng hiệu quả, thu hồi thuận lợi, không rủi ro.
Đợt vay vốn thí điểm này kéo dài trong hai năm, nhưng với những hiệu quả khả quan vừa đạt được, dự kiến cuối tháng này sẽ sơ kết sớm để đánh giá về những thuận lợi, cũng như những vướng mắc nhằm tháo gỡ, sau đó tiếp tục cho triển khai mở rộng thêm mô hình.
Theo ông Vinh, trước kia gia đình ông thường phải vay vốn ngân hàng, lắm khi vay không kịp mua thức ăn cho cá phải tạm vay nóng bên ngoài.
Lúc thu hoạch phải tìm doanh nghiệp kêu bán cá, nhiều vụ chờ dài cổ mà vẫn không bán được, đành phải bán tháo cho cánh thương lái tiêu thụ nội địa. Bên mua đã ép giá lại để nợ kéo dài cả năm, thậm chí còn quỵt tiền.
Còn nay đã “vô” chuỗi sau khi thả giống, trong suốt vụ nuôi cần loại thức ăn gì, với số lượng bao nhiêu chỉ việc gọi điện báo, công ty cho kỹ sư đến xác định lại việc sử dụng loại thức ăn có phù hợp chu kỳ sinh trưởng của cá, rồi lập phiếu chuyển qua nhà máy cung ứng và hôm sau thức ăn được chở đến tận ao nuôi.
“Thức ăn, thuốc men đều là sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo chất lượng của các công ty lớn, uy tín. Giá lại luôn rẻ hơn thị trường. Chọn thứ nào là tùy mình” - ông Vinh nói.
Nhiều nông dân khác cho biết thêm trong quá trình nuôi, các kỹ sư của công ty thường xuống ao tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật phòng trị bệnh cho cá. Hễ ao nào tới lứa đều được thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu.
Giá cá luôn sát với thị trường, sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi khoản thức ăn, thuốc men đã sử dụng, phần dôi dư là lợi nhuận, họ chỉ việc đến ngân hàng nhận.
“Nuôi cá mà không phải lo vốn, chẳng lo chuyện bán cá, không phải đi đòi nợ dài dài. Nay mình chỉ tập trung nuôi cá sao cho tốt, thu hoạch xong ao nào là tới ngân hàng ôm tiền lời về. Chưa bao giờ dân nuôi cá tra tụi tui... sướng được như vầy” - ông Nguyễn Văn Tấn, người vừa thu hoạch ao 196 tấn cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú với lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, nói.
Lối ra cho con cá tra
Ông Nguyễn Việt Trung, giám đốc điều hành Công ty Thuận An, cho biết ngay từ năm 2011 tỉnh An Giang đã lên chương trình thí điểm cho ba doanh nghiệp thành lập chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra.
Tuy nhiên do còn vướng cơ chế, nhất là thiếu nguồn vốn hỗ trợ nên chưa thể thực hiện. Sau khi lập dự án cụ thể, Công ty Thuận An xúc tiến việc triển khai chuỗi, đầu năm nay công ty tiếp tục đề xuất, đồng thời được UBND tỉnh kiến nghị nên sau đó Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho công ty được vay tín chấp 234 tỉ đồng từ Agribank để thực hiện dự án. Với khoản vay ưu đãi 7%/năm này, công ty mở rộng vùng nguyên liệu riêng, đồng thời liên kết với một số hộ nuôi 25ha và tới nay đã có 10 ao thu hoạch cho sản lượng 2.500 tấn cá.
“Trong khi nhiều nông dân đang bế tắc, những hộ tham gia chuỗi nuôi cá đều có lợi nhuận hơn 2.000 đồng/kg nên rất tin tưởng hiệu quả của mô hình” - ông Trung nói.
Ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc điều hành chuỗi liên kết, chia sẻ rằng với chuỗi liên kết này, suốt vụ người nuôi luôn được cung ứng thức ăn kịp thời theo chu kỳ phát triển của đàn cá. Khoản này chiếm khoảng 75% tổng chi phí nuôi, được ngân hàng chi trả ngay cho nhà máy, lúc thu hoạch cá công ty bao tiêu, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng.
Như vậy tiền ngân hàng vẫn có “đầu ra” hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, dễ thu hồi. Trong khi đó, nông dân khỏi phải ôm một “cục nợ” ngân hàng kéo dài suốt vụ nuôi chịu lãi suất cao.
Mặt khác, các nhà máy sản xuất thức ăn, thuốc cũng bán được hàng thu tiền ngay, do người nuôi tự chọn lựa sản phẩm nên để cạnh tranh buộc các đơn vị này phải nâng cao chất lượng, giảm giá, phục vụ chu đáo.
“Nhờ đó giá thành con cá giảm đáng kể, sắp tới bỏ VAT thì chi phí nuôi sẽ giảm hơn nữa. Còn doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh, có nguồn nguyên liệu ổn định chế biến xuất khẩu. Đặc biệt là kiểm soát chặt về chất lượng nên sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe và thâm nhập được các thị trường dù khó tính tới đâu” - ông Sơn nói.
Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang Lê Chí Bình cho rằng tuy mới triển khai nhưng mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tất cả thành phần tham gia gắn kết cùng nhau nên đã giảm tối đa rủi ro và đều cùng được hưởng lợi từ chuỗi này.
Thực tế cho thấy những cơ sở nuôi được chọn tham gia đều có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn nuôi cá sạch. Với hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp, tay nghề của nông dân cũng từng bước được nâng cao. Đây là tiền đề thuận lợi cho sau này áp dụng các tiêu chuẩn nuôi theo nghị định 36 như VietGap, GlobalGAP...
“Mô hình là lối ra cho con cá tra trong bối cảnh khó khăn hiện nay và cũng là xu thế tất yếu để nó phát triển bền vững” - ông Bình chia sẻ.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo