Nuôi chồn hương cho thu nhập ổn định
Cơ duyên với con chồn hương
Ông Dũng cho biết ông đến với nghề nuôi chồn hương rất tình cờ. Năm 2005, được người quen giới thiệu giống chồn hương, ông quyết định mua 1 cặp với giá 7 triệu đồng về nuôi làm kiểng. Thấy có khả năng kiếm thêm thu nhập từ loài vật này, ông mua thêm 1 con nữa để nhân giống. Từ 3 con giống ban đầu, chỉ sau 1 năm thả nuôi, chồn bắt đầu sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 4-6 con.
Thời gian đầu, do không hiểu rõ tập tính của chồn hương nên ông không làm bồn khi chồn sinh sản. Vì thế, con non mới sinh ra bị con mẹ tha đi nhiều nơi, một số con bị chết hoặc phát triển không tốt. Để có thêm kinh nghiệm, ông cất công đến những trại nuôi chồn hương số lượng lớn để học hỏi và cập nhật kiến thức từ sách, báo.
Thời điểm đó, mô hình nuôi chồn hương chưa phổ biến, chồn giống và chồn thương phẩm chưa được ưa chuộng nên đầu ra bấp bênh. Mãi đến năm 2011, chồn hương mới được thực khách biết đến và nhiều nhà hàng, thương lái đến tận nhà ông thu mua. Từ đó, ông bắt đầu tăng đàn để đủ số lượng cung cấp đi khắp các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, TP.HCM...
Giá trị kinh tế cao
Theo ông Dũng, nuôi chồn hương ít tốn diện tích, nhẹ công chăm sóc, có thể vừa làm nghề khác vừa tranh thủ nuôi chồn kiếm thêm thu nhập. Thịt chồn hương là món đặc sản thơm ngon; xạ hương lấy từ chồn hương được xem như một loại dược liệu quý hiếm. Hiện chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao nên mô hình nuôi chồn hương đang từng bước được phổ biến rộng rãi.
Hơn 13 năm nuôi chồn hương, ông Dũng rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích. Ông cho biết chồn hương ở rất sạch, mỗi ngày phải dọn dẹp chuồng 2 lần, nếu không chồn dễ bị xà mâu, ghẻ lở, rụng lông… Chuồng đóng thành từng ô, cách mặt đất ít nhất 0,7 m, ngang 1 m, dài 1,2 m, đảm bảo thoáng mát, cao ráo. Chuồng nuôi chồn sinh sản nên đóng bằng gỗ, dưới đáy có lót vỉ dày để chồn con không bị kẹt chân.
Về chế độ ăn uống, không cho chồn ăn quá no vì sẽ khiến chồn bị mập, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Mỗi ngày cho chồn ăn 2 bữa sáng - tối, thức ăn là các loại cá, thịt tươi sống, chuối…, đặc biệt không cho ăn thức ăn nấu chín. Riêng chồn sinh sản phải bổ sung vào khẩu phần ăn hằng ngày các loại động vật như: rắn mối, thằn lằn, cua… để đảm bảo chồn lên giống.
Chồn nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng từ 3 - 3,5 kg là có thể xuất bán. Chồn bắt đầu sinh sản từ 8-11 tháng tuổi. Chồn mang thai trong vòng 90 ngày, sau khi sinh 7-10 ngày chồn con sẽ mở mắt. Thời gian đầu chồn con bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi sẽ tập cho ăn và bắt đầu tách khỏi mẹ. Chồn hương dễ mắc bệnh cầu trùng hoặc bệnh thương hàn giống nhiều loại gia súc, gia cầm khác.
Hiện ông Dũng đang nuôi 20 con chồn hương bố mẹ (14 cái, 6 đực) để bán con giống, với giá khoảng 5 triệu đồng/cặp. Còn chồn hương thương phẩm có giá từ 1,1-1,4 triệu đồng/kg tùy thời điểm. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh