Ồ ạt lấn chiếm sông, rạch
Việc đã rồi nên cho tồn tại!
Theo khảo sát của PV, trên sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, sông Chợ Đệm, rạch Đĩa, rạch Gò Dưa, rạch Chiếc, rạch Tôm, rạch Xóm Củi, rạch Ụ Cây… là các “điểm nóng” về lấn chiếm sông, rạch.
một nửa tổng diện tích sông, rạch bị lấn chiếm là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ngập ở TP thời gian qua. Sông, rạch bị lấn chiếm nghĩa là bị “bóp” hẹp lại khiến nước mỗi khi trời mưa hay triều cường sẽ không thoát kịp, gây ngập. Ngày trước, hệ thống sông rạch cũng là những hồ chứa nước, tích nước tạm thời khi có mưa và sau đó là thoát thủy rất nhanh. Nay san lấp sông, rạch thì chuyện ngập, lụt là đương nhiên. GS-TS Lê Huy Bá, Giám đốc Trung tâm môi trường sinh thái nhân văn, Đại học Bách khoa TP.HCM |
Ngay đầu dự án Dragon City ở đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), Công ty CP địa ốc Phú Long cho xây dựng một sân tennis, kèm theo đó là khu công viên hồ bơi, nhà câu lạc bộ… Những công trình này được xây dựng rất hoành tráng, khách muốn sử dụng dịch vụ phải có thẻ hội viên.
Chỉ có điều, sân tennis có diện tích 17,5m x 27m của Công ty Phú Long được xây dựng trên hành lang bảo vệ đường sông và ép cọc bê tông ở hai vị trí trên rạch Đĩa. Ngoài ra, công ty này còn xây dựng một hàng rào kiên cố trên hành lang bảo vệ đường sông dài 30m. Mặc dù phát hiện sai phạm, nhưng theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè do sự việc đã rồi nên đành phải cho dự án tồn tại.
Chủ đầu tư dự án khu căn hộ cao cấp Riviera Point (Q.7) là Công ty TNHH Riviera Point còn “liều” hơn khi ngang nhiên lấn kênh, bít rạch để làm đường nhánh N1 nối dự án vào chân cầu Phú Thuận. Phát hiện sai phạm này, UBND phường Tân Phú đã yêu cầu Công ty Riviera Point ngừng việc kết nối giao thông vào đầu cầu Phú Thuận, nạo vét khai thông vị trí thoát nước của hai nhánh rạch…
Ông Trần Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân Phú, cho biết Thanh tra xây dựng quận cũng có lệnh yêu cầu doanh nghiệp ngưng thi công đường giao thông kết nối vào vị trí chân cầu, nếu tiếp tục thi công sẽ bị xử lý… Thế nhưng, đến thời điểm này con đường đã làm xong, được trải nhựa, bó vỉa hè và lắp cả đèn chiếu sáng.
Tại quận Thủ Đức, nhiều công trình xây dựng ven rạch Gò Dưa, bờ sông Sài Gòn đã lấn ra hành lang bờ sông hàng chục mét. Như Công ty CP thủy hải sản Liên Thành đóng cừ tràm dài gần 100m chạy dọc sông ở KP.8, phường Linh Đông.
Cách đó không xa, Công ty Trường Thành Lộc, chủ đầu tư khu chung cư 4S2 Linh Đông (P.Linh Đông), cũng ngang nhiên đổ đất lên rạch. Tổng diện tích lấn chiếm trái phép là 156m2 chủ đầu tư dùng để trồng cây xanh, rào chắn bao quanh cẩn thận và đóng chốt bảo vệ để... cấm người dân xâm phạm, đi trên bờ rạch này. Sự việc được phát hiện từ năm 2009 nhưng đến nay phần diện tích vi phạm này vẫn tồn tại.
Lãnh đạo một công ty địa ốc khẳng định rằng, hầu như các DN, người dân ở gần sông, rạch đều lấn chiếm không chỉ vì ở TP “tấc đất, tấc vàng”. Tâm lý của các “thượng đế” hiện nay thích ở gần sông nước, muốn trở về với thiên nhiên nên những căn nhà, dự án “riverside” hay có “view - tầm nhìn” ra sông giá bán cũng đắt đỏ hơn. Do đó, khi những khu đất trên sông, rạch được hợp thức hóa giá trị sẽ rất lớn, đối với những dự án căn hộ thì những khu đất này sẽ làm tăng giá trị dự án lên rất nhiều...
Số vụ lấn chiếm tăng Theo Sở Giao thông vận tải TP, so với những năm trước, số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng. Trong năm 2011 đã phát hiện thêm 97 trường hợp vi phạm, nâng tổng số vi phạm chưa thể xử lý lên hơn 150 trường hợp. Trong số đó chiếm một phần không nhỏ là các doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm sông, rạch nhiều nhất là huyện Nhà Bè. Sở Giao thông vận tải TP đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, xử lý, buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép, khắc phục nguyên hiện trạng ban đầu. Kết quả xử lý sẽ báo cáo về UBND TP trước quý 1/2012. |
Cơ quan quản lý kêu khó
Lãnh đạo Khu Quản lý đường thủy nội địa thừa nhận thực tế ở dọc sông Sài Gòn quỹ đất hành lang bảo vệ đã bị chiếm hết. Có những trường hợp lấn ra tận mặt sông nhưng khó xử lý.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng lấn chiếm sông, rạch ồ ạt như vậy, theo ông Phan Hoàng Trí, Phó giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, quy định của UBND TP giao cho địa phương quản lý. Khu chỉ tuần tra phát hiện các trường hợp vi phạm để thông báo về cho các địa phương. Thế nhưng, các địa phương chưa chú trọng, xử lý chưa triệt để.
Ông Trí cảnh báo, việc lấn sông làm thay đổi dòng chảy, làm gia tăng tải trọng lên bờ khiến quá trình sạt lở tăng lên. Như kênh Thanh Đa đã và đang lở hàng loạt. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra ồ ạt như hiện nay thì không bao lâu nữa quỹ đất công hai bên các con sông, rạch sẽ không còn. Đến khi cần đất để xây dựng bờ kè, công viên, nhà nước sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền để di dời, giải tỏa. Như trường hợp rạch Ụ Cây (Q.8), TP đã phải di dời đến hơn 2.500 hộ dân, với kinh phí khoảng 4.179 tỉ đồng.
Một bất cập lớn trong việc quản lý sông, rạch hiện nay là kinh phí quá ít. Hiện trên địa bàn TP có gần 1.000 km bờ sông, nhưng mỗi năm TP chỉ rót về cho Khu Quản lý đường thủy nội địa khoảng 500 triệu đồng để đi tuần tra, xử lý các vi phạm về lấn chiếm sông, rạch. Các địa phương gần như không có kinh phí cho công tác này.
“Số tiền trên chỉ đủ đổ nhiên liệu. Muốn làm tốt công tác tuần tra, xử lý và bảo vệ hành lang các tuyến sông, rạch, TP cần rót thêm kinh phí về cho các địa phương cũng như tăng cường nhân lực phục vụ cho công tác bảo vệ hành lang sông, rạch”, ông Trí kiến nghị. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm ở dưới sông phức tạp, phải có công cụ chuyên dụng, nhưng hiện nay chưa có và chưa đủ cán bộ hiểu biết về vi phạm xây dựng đường sông. Đặc biệt là thiếu sự quan tâm của chính quyền các cấp về bảo vệ hành lang an toàn đường sông…
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo