Môi trường

Ô nhiễm nước ngầm khu vực nông thôn: Tín hiệu xấu

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn ở nước ta đang trở thành một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hiện trạng nước ngầm tại khu vực nông thôn đang dần cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng bởi nước thải sinh hoạt và các khu công nghiệp cận kề…
 Một giếng nước bị ô nhiễm nặng nề tại Bình Định
 
 
Tài nguyên nước sạch ngày càng hiếm
 
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, nguồn nước ngầm hiện có của Việt Nam chiếm khoảng 35% đến 40% tổng số lượng nước sinh hoạt của người dân với trữ lượng khai thác đạt chừng 20 triệu m3 mỗi ngày. Tại nhiều vùng nông thôn, khi mà chương trình đưa nước sạch và vệ sinh môi trường chưa về kịp với người dân thì nrsgsgước ngầm trở thành nguồn duy nhất phục vụ nhu cầu của đời sống. Tuy nhiên, cùng với quá trình hình thành các KCN, khu chế xuất và sinh hoạt đông đúc tại các khu dân cư đã và đang đẩy nguồn tài nguyên quý giá này tới nguy cơ ô nhiễm nặng nề.
 
Số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã cho thấy hiện trạng nước ngầm tại một số địa phương đã có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ (NH4+, NO3), kim loại nặng và đặc biệt là ô nhiễm vi sinh (Colifrom, E. Coli). Cụ thể, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, lượng amoni lên đến 23,3 mg/l, cao hơn nhiều lần so với quy định về an toàn. Đặc biệt tại xã Hải Lý (huyện Hải Hậu, Nam Định) hàm lượng Amoni đặc biệt lớn, gấp 441 lần Quy chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, khu vực các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, chất lượng nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm do sắt, vi sinh vật, chất hữu cơ và kim loại độc hại nhưng mang tính cục bộ, tập trung ở một số làng nghề. Ô nhiễm Clorua tập trung chủ yếu ở khu vực làng nghề như Nam Giang, Vân Chàng, Bình Yên.  Theo số liệu thống kê năm 2013, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định là 87%. Tuy nhiên đến nay chất lượng môi trường mặt nước và nước ngầm ngày càng suy giảm đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước.
 
Tại Bắc Bộ, khoảng 60% các mẫu quan sát được có chứa chất Mn (Mangan) vượt quá hàm lượng tiêu chuẩn; khoảng 15% số mẫu thử có chứa hàm lượng Asen, một trong những hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, xuất hiện ở trong nước ngầm. Ô nhiễm kim loại ảnh hưởng tới nước ngầm được phát hiện tập trung tại mỏ khai thác khoáng sản.
 
Trong khi đó, ở Trung Bộ, hàm lượng Amoni trong nước ngầm tại khu vực nông thôn cũng cao hơn nhiều lần mức cho phép. Theo Trung tâm Quan trắc môi trường Bình Thuận lấy mẫu đối với môi trường nước dưới đất đợt 2 năm 2014 (Từ ngày 5/5 đến ngày 6/6) được biết chất lượng nước ngầm khu vực nông nghiệp và làm muối đối chiếu với quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNMT nước ngầm khu vực chăn nuôi điển hình là huyện Bắc Bình đã bị nhiễm mặn với các chỉ tiêu như TS, COD, Cl-, NO3-, SO2-, Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép. Các vị trí còn lại vượt quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNMT chủ yếu với chỉ tiêu COD với ngưỡng vượt chuẩn từ 1,6 - 12,6 lần trong đó đạt giá trị cao nhất tại khu vực làm muối Tân Thuận (50,40 mg/l vào đợt 2).
 
Từ những minh chứng này cho thấy, nước ngầm tại khu vực nông thôn đã và đang đối mặt với ô nhiễm ngày càng nặng nề. Vấn đề này đã được cảnh báo từ chục năm trở lại đây, nhưng hơn lúc nào hết số liệu quan trắc mới nhất đang gióng lên những hồi chuông báo động mức độ nguy hại mà chúng ta phải gánh chịu nếu không có những hành động thiết thực ngay lập tức.
 
Hoàn chỉnh quy hoạch để bảo vệ nguồn nước
 
Nước ngầm nhiễm độc đã và đang gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và dư luận xã hội. Một minh chứng cụ thể khi trong năm 2014, các kết quả phân tích cho thấy hầu hết giếng khoan (có phép hoặc không phép) ở Hà Nội đều có amoni, đặc biệt là các giếng khoan do người dân tự thuê làm tại địa bàn quận Hoàng Mai, Gia Lâm, Hai Bà Trưng. Điều này đã khiến người dân  lo lắng trong một thời gian khá dài.
 
Theo PGS.TS Lê Kế Sơn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nguồn nước ngầm chiếm 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước ngày càng khó khăn khi nhà máy vẫn mọc lên với mật độ dày đặc, lượng nước thải tại các khu dân cư thải ra ngày càng nhiều trong khi việc xử lý nguồn nước thải hầu như không được chú trọng. Vì vậy, giải pháp trước mắt cần phải lập hành lang bảo vệ nước.
 
Tại các tỉnh, UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. UBND cấp tỉnh sẽ xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ TN&MT; công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương. Bộ TN&MT cũng cần phải ban hành các chế tài đủ mạnh nhằm răn đe những hành vi xâm phạm và hủy hoại nguồn nước.
 
Một giải pháp quan trọng đó là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn nước, yếu tố không thể thiếu gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân.
 
 
Theo Tài nguyên và Môi trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo