Tài chính - ngân hàng

Ô tô nhập khẩu có nguy cơ tăng giá 20%?

(DNVN ) - Việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ nhập khẩu của Bộ Tài chính có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực đến thị trường trong nước, đẩy giá bán xe tăng cao.

Sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ nhập khẩu, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở thị trường Việt Nam đều bị “sốc” và đồng loạt đưa ra kiến nghị với nhiều lý lẽ để phản đối dự thảo trên.

Không chỉ nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA), mà các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), những doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi theo đề xuất tính thuế TTĐB mới của Bộ Tài chính, đều tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả khi đề xuất chính thức được áp dụng.

Cả VIVA và VAMA cùng cho rằng, các tính thuế TTĐB mới sẽ khiến thị trường ô tô trong nước gặp khó khăn do giá xe tăng, kéo theo cản trở quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà, vốn đang khá bế tắc.

Nhiều doanh nghiệp (DN) ô tô lo ngại điều này có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến thị trường trong nước, đẩy giá bán xe tăng cao.

Đại diện một DN nhập khẩu tính toán, mức thuế TTĐB theo cách tính mới sẽ tăng và chắc chắn giá ô tô bán ra tăng, mức tăng có thể 20%-30% tùy loại xe. Ví dụ chiếc Toyota Camry 2.0 giá khoảng 1 tỉ đồng, với cách tính thuế mới giá xe có thể tăng lên mức 1,2 tỉ đồng. Không chỉ giá bán tăng mà phí trước bạ cũng sẽ tăng theo.

Ô tô nhập khẩu có nguy cơ tăng giá 20%? Ảnh minh họa
Ô tô nhập khẩu có nguy cơ tăng giá 20%? Ảnh minh họa

Với cách tính thuế TTĐB mới, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước về cơ bản sẽ có lợi, có ưu thế trước các ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đều nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán nên cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Một chuyên gia lĩnh vực ô tô cho hay ông ủng hộ chủ trương cần bảo hộ lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước nhưng điều cần thiết là cần có chế tài buộc các nhà lắp ráp ô tô phải cam kết thực hiện bằng được tỉ lệ nội địa hóa theo lộ trình hơn là dùng biện pháp tăng thuế. Nếu cách tính thuế TTĐB mới đẩy giá xe nhập khẩu lên cao, xe lắp ráp trong nước sẽ không có động lực để giảm giá. Khi đó, người tiêu dùng là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất

Theo tin tức từ báo Vietnamnet, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, ông Minoru Kato cũng cho biết, nếu chính sách với ô tô vẫn cứ giữ nguyên như hiện nay thì đến 2018, bắt buộc các DN phải chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối. Khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam giảm xuống mức 0% thì sản xuất lắp ráp xe trong nước không còn ý nghĩa nữa, bởi không cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia về.

Nhiều người đã hình dung ra kịch bản, đến 2018, tất cả các DN ô tô tại Việt Nam sẽ phải ngừng hoạt động và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối.

Đến 2020, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo bắt đầu bùng nổ, có thể đạt sản lượng trên 300.000 xe và liên tục tăng trưởng mạnh, khi đó ô tô sẽ là ngành nhập siêu lớn nhất. Nếu lại hạn chế nhập khẩu, hạn chế tiêu dùng, trong khi nhu cầu tăng cao, sẽ khiến cho ô tô trở nên khan hiếm, giá sẽ bị đẩy lên cao, ước mơ ô tô lại xa vời đối với nhiều người.

 

Lan Hương (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo