Chân dung

Ở Việt Nam, đại gia là ai?

Những tỷ phú của Mỹ đa phần đều là những người làm chủ về công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg… Còn ở Việt Nam, những đại gia của chúng ta là ai

Trong danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán năm 2011, không có một cái tên nào đi lên từ công nghệ. Lĩnh vực hoạt động của những "đại gia" này chủ yếu là bất động sản và ngân hàng, hai ngành có mức tỷ suất lợi nhuận thuộc loại cao nhất trên thị trường

 

Tuy nhiên hai ngành đó luôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất mỗi khi suy thoái kinh tế diễn ra. Trong năm 2011, không ít đại gia bất động sản đã trắng tay hoặc chí ít cũng mất hàng nghìn tỷ đồng khi thị trường đóng băng, ngân hàng siết nợ...

 

Vậy làm thế nào để tăng trưởng cao mà vẫn bền vững, hay nói cách khác là nâng cao chất lượng tăng trưởng, cũng là vấn đề được GS. TS. Lê Văn Doanh đề cập tới trong buổi Tọa đàm ươm tạo Công nghệ diễn ra sáng 22/2.

 

Theo số liệu ông Doanh cung cấp, trong những năm giữa của thập niên 90, 40 - 60% tăng trưởng GDP ở Việt Nam có đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Nhưng con số đó đã tụt dốc thê thảm từ năm 2006 đến nay, khi chỉ ở mức dưới 10%. Đến năm 2010, 2011, có lẽ nó chỉ đạt 3 - 4%. Đây là một nghịch lý bởi càng trong khó khăn, đóng góp của yếu tố năng suất lao động cũng như sáng tạo về quản lý lẽ ra phải tăng lên, còn đằng này thì lại càng bị tụt lùi.

Trong khi đó, đóng góp của vốn từ 52% đã nhảy vọt lên 85%. Như vậy, động lực chính của các doanh nghiệp không phải là khoa học công nghệ.

Ông Doanh chua chát nói rằng: Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có những người dại mới đi làm công nghệ. Còn những ai khôn, sẽ đi mua đất, để đấy chớp thời "sóng" lên và dễ dàng thành đại gia sau một đêm.

Nếu như những tỷ phú của Mỹ đa phần đều là những người làm chủ về công nghệ như Bill Gates (sáng lập ra Microsoft), Mark Zuckerberg (sáng lập ra Facebook)… thì những đại gia của Việt Nam phần lớn đều là những người đi khai thác tài nguyên thiên nhiên; còn những người làm khoa học công nghệ là rất ít.

Ông Doanh cũng đề xuất nên có một cơ chế thay đổi động lực phát triển của các doanh nghiệp. Ông cho rằng, nên khuyến khích sáng tạo và khoa học công nghệ, đồng thời đánh thuế thật nặng vào những nguồn thu về đất đai. Bởi nếu không có những chính sách như vậy thì phải rất lâu nữa, những người đang thành công trên con đường khoa học công nghệ mới có thể trở thành đại gia.

Đồng tình với quan điểm của TS Lê Đăng Doanh, đại diện một doanh nghiệp công nghệ cũng cho rằng, nếu chỉ làm giàu bề mặt thay vì làm giàu từ chất xám thì không lâu nữa, khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, rừng, biển... cạn kiệt, con cháu chúng ta sẽ trắng tay.

Ở thị trường Việt Nam hiện tại, hàng hóa của chúng ta đang bị cạnh tranh rất quyết liệt, nhất là từ phía Trung Quốc. Duy nhất chỉ có lĩnh vực khoa học công nghệ là chúng ta vẫn trụ vững. Nói như ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam, chúng ta có thể đi sau các nước tiên tiến 50 năm về ngành cơ khí chế tạo, nhưng chỉ bị tụt lùi 3 cho đến 4 năm ở lĩnh vực khoa học công nghệ.

Xuất khẩu công nghệ có thể trở thành một hướng đi mới cho các doanh nghiệp. Và chỉ có khoa học công nghệ mới có thể cứu cánh được nền kinh tế, đồng thời giúp giấc mơ làm giàu của những tri thức trẻ sớm trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: Bá Thắng (VTC News)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo