Pháp luật

Oan sai, ai chịu trách nhiệm?

“VKS thực hiện quyền công tố, vậy công tố thì bị giám sát thế nào? Nếu luận tội không đúng, xét xử không đúng, VKS có quyền vào cuộc không?” –Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu.

Vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn gây xôn xao dư luận trong thời gian qua

Chưa thống nhất tuổi nghỉ hưu

Dự án Luật tổ chức VKSNDTC sửa đổi trình UBTVQH sáng 13/3 có đề nghị tăng tuổi làm việc của Kiểm sát viên VKSNDTC thành 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. VKS cho đây chính là đội ngũ cán bộ “tinh túy” của ngành Kiểm sát, vì vậy, nếu áp dụng chế độ nghỉ hưu theo quy định chung sẽ là sự “lãng phí lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao”.
 
Không đồng tình với chủ trương trên, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, điều này không phù hợp với Bộ Luật Lao động. Bà Mai phân tích, đối với khu vực công, tuổi nghỉ hưu cũng là tuổi hành nghề, do vậy đến tuổi thì phải nghỉ hưu.
 
Cho rằng, không một luật nào quy định tuổi nghỉ hưu ngoài Luật lao động với nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi, bà Mai đề nghị Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý kiểm soát việc này.
 
Cũng theo bà Mai, Chính phủ có quy định về nhóm đối tượng được kéo dài tuổi nghỉ hưu gồm: Chuyên gia cao cấp, TS. khoa học làm việc đúng ngành nghề, GS. PGS trực tiếp giảng dạy và những người có tài năng. Đồng thời nhóm đối tượng này phải đảm bảo sức khỏe, trên tinh thần tự nguyện và nằm trong biên chế, nhưng thời gian làm việc chỉ kéo dài từ 1 – 5 năm.
 
Theo bà Mai, nếu hết tuổi nghỉ hưu thì có thể ký hợp đồng làm việc với kiểm soát viên, nhưng Luật tổ chức VKSNDTC không được quy định tuổi nghỉ hưu và phải làm theo Bộ Luật lao động.
 
Ngược lại với quan điểm trên, Chủ nhiệm UB Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền lại tán thành với việc nâng độ tuổi đối với kiểm soát viên như đề xuất. Để giải quyết vướng mắc, theo ông Hiền nên có văn bản nào đó điều chỉnh cho phù hợp với Bộ Luật lao động.
 
Có cùng quan điểm tăng tổi nghỉ hưu cho Kiểm sát viên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đề nghị giao việc này cho Ban Nội chính Trung ương trình.
 
Ai giám sát?
 
Luật tổ chức VKSNDTC sửa đổi nêu rõ: VKSND có thẩm quyền điều tra khi tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, khi xét thấy cần thiết; Viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra nhưng yêu cầu đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; Vụ án mà Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
 
Đề cập đến vai trò của VKS, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đặt vấn đề: Có kiểm soát hoạt động công tố không? Ai kiểm soát và kiểm sát thế nào? Bởi trên thực tế chức năng công tố hiện không có ai kiểm soát.
 
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng thể hiện mong muốn hệ thống tư pháp được thực thi minh bạch để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, hệ thống tư pháp của ta hết sức đồng bộ và có sự kiểm soát lẫn nhau. Quốc hội cũng bị kiểm soát, hành pháp, tư pháp cũng bị kiểm soát, thậm chí Chủ tịch nước cũng bị kiểm soát. Do vậy phải quy định yếu tố kiểm soát vào luật này thế nào là điều cần hết sức lưu ý.
 
“VKS thực hiện quyền công tố. Vậy công tố thì bị giám sát thế nào? Khi thi hành án, tòa án làm sai thì kiểm sát phải làm nhiệm vụ. Mục đích cuối cùng của hoạt động tư pháp là đảm bảo cho Hiến pháp, pháp luật được thực hiện. Nhưng nếu luận tội không đúng, xét xử không đúng, đã có bao vụ án như thế, vậy VKS có quyền vào cuộc không?”
 
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, những trường hợp như vậy Kiểm sát phải xem lại kết luận điều tra đúng hay sai. Nếu thấy vô căn cứ thì “bác luôn và không có chuyện trả lại”. Lúc đó phải kết luận luôn cơ quan điều tra làm không đúng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
“Tuyên vô tội là oan cho người ta thì phải quy rõ trách nhiệm. Có như vậy quyền con người mới được đảm bảo như tinh thần của Hiến pháp” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo