Quốc tế

Obama thăm Việt Nam: Chuyến đi vì những lợi ích dài lâu

(DNVN)-Chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định tích cực về chuyến thăm mang tính lịch sử này.

Theo học giả Amruta Karambelkar thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương JNU, chuyến công du Việt Nam của ông chủ Nhà Trắng từ ngày 23 đến 25/5 vừa qua vì những lợi ích dài lâu. Dưới đây Doanh nghiệp Việt Nam trích đăng bài viết nhận định của nữ học giả này. 

Mỹ và Việt Nam là hai nước đồng minh lạ lùng nhất tại châu Á Thái Bình Dương. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thu hút sự chú ý rộng rãi, đặc biệt bởi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Lệnh cấm này cuối cùng đã được dỡ bỏ hoàn toàn nhưng dường như nó đã diễn ra sớm hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên gia. Quyết định này dường như là một trong những biện pháp quan trọng đã được thực hiện trong chính sách "tái cân bằng" của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/5/2016 (Ảnh Reuters)

Tổng thống Mỹ Obama đã khẳng định rõ ràng rằng, mối quan hệ song phương Việt - Mỹ không nhằm chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiện cả Mỹ và Việt Nam đều bày tỏ quan ngại về những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông và tự do hàng hải. Chính sách tái cân bằng của Mỹ thể hiện rõ ràng qua chuyến thăm Việt Nam lần này, cùng với các chuyến thăm gần đây khác của giới chức Mỹ và những sáng kiến trong khu vực. 

Mỹ và Việt Nam đã nỗ lực từng bước trong việc bình thường hóa quan hệ. Tiến trình này bắt đầu sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam vào năm 2000 của Tổng thống Mỹ khi đó, ông Bill Clinton, với mục đích hòa giải. Cũng giống như người tiền nhiệm, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama lần anyf diễn ra khi nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp kết thúc. 16 năm kể từ chuyến thăm lịch sử của ông Clinton, đã có rất nhiều thay đổi giữa hai quốc gia từng là thù địch của nhau. Hầu hết thế hệ người Việt Nam hiện nay được sinh ra sau chiến tranh, và những đám mây chiến tranh đã không còn. Sự đón tiếp thịnh tình của chính phủ và người dân Việt Nam dành cho ông Obama là một biểu hiện rõ nhất cho sự thay đổi đó.

Tuyên bố chung Mỹ-Việt khẳng định cam kết của hai nước trong việc tôn trọng các hệ thống chính trị mỗi nước, đồng thời cho thấy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quôc gia. Hai bên tái khẳng định cam kết trong việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. 

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã tái kiểm định chính sách đối ngoại trong việc thiết lập quan hệ với thế giới phương Tây. Kể từ chương trình tái cấu trúc nội địa của Việt Nam mang tên chính sách đổi mới vào những năm 90, và sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, kinh tế Việt Nam đã thu hút nhiều đầu tư từ bên ngoài. Hiện Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 7 của Việt Nam, và theo cách nói của ông Obama, "Mỹ là thị trường lớn nhất đối với xuất khẩu Việt Nam". Hiện Việt Nam cũng là một phần của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó có thể thách thức tiềm lực kinh tế của trung Quốc tại Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn vốn FDI để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào.

Chuyến thăm Việt Nam của ông chủ Nhà Trắng đã mang tới những điều ngọt ngào khác cho Việt Nam. Một trường Đại học Fulbright sẽ được thiết lập với mục đích làm cho nó trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Mỹ và Việt Nam cũng mở rộng quan hệ đối tác hạt nhân dân sự. Một ủy ban hỗn hợp về hợp tác hạt nhân dân sự sẽ được thiết lập trong thời gian tới.

 

Điểm nhấn của chuyến thăm này là việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Đây là một bước đi táo bạo. Lệnh cấm vận vũ khí không sát thương đã được dỡ bỏ vào năm 2013. Với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam hôm 23/5 vừa rồi, Việt Nam có thể mua vũ khí hạng nặng theo nhu cầu và từ nhiều nguồn khác nhau. Việt Nam đã hiện đại hóa quân đội trong một vài năm qua, và đặc biệt là xây dựng lực lượng hải quân ngày càng phát triển vững mạnh. Trước đây, hải quân Việt Nam chủ yếu dựa vào các đối tác an ninh truyền thống, chẳng hạn như Nga và Ấn Độ, nhưng cũng đã dần chuyển sang các nhà cung cấp phương Tây. Mỹ đã và đang tăng cường bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Với tư duy "có đi có lại", nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng, khả năng Mỹ tiếp cận Vịnh Cam Ranh sẽ diễn ra trong tương lai. 

Năm 2015, Lầu Năm Góc đã phát động Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) đối với Đông Nam Á. MSI, một phần của chiến lược châu Á Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, nâng cao các khả năng, và tạo ra các đối tác mạnh mẽ và độc lập trong khu vực. 

Theo đó, các kế hoạch đối với Việt Nam bao gồm việc hỗ trợ hiện đại hóa tàu thuyền, máy bay tuần tra hàng hải, hỗ trợ các hệ thống C3 trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, huấn luyện, mặc dù các quỹ Mỹ dành cho Việt Nam chỉ là 2 triệu USD, trong khi đó Philippines nhận được 41 triệu USD. Chiến lược tái cân bằng, MSI, và dỡ bỏ lệnh cấm vận mà Mỹ thực hiện đối với Việt Nam đều đang phát triển theo hướng tích cực. 

Hai nước hiện có rất nhiều điểm chung để có thể thắt chặt hơn mối quan hệ, trong đó một điểm chung nổi bật là hai bên đều có lợi ích trong việc duy trì ổn định, hòa bình, trật tự tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Vượt qua quá khứ, quan hệ Việt - Mỹ chắc chắn sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới bởi những lợi ích dài lâu. 

Nên đọc
NM (Theo IPCS)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo