Quốc tế

Obama thăm Việt Nam: Tín hiệu thắt chặt quan hệ Việt - Mỹ

(DNVN)-Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào đầu tuần tới, tờ International Business Times (IBT) của Mỹ đã đăng tải một bài bình luận sâu sắc về quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.

Theo IBT, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi ông trở thành chủ nhân chiếc ghế Nhà Trắng. Chuyến thăm cho thấy tín hiệu mới nhất về việc thắt chặt quan hệ an ninh và kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam - một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất tại châu Á và là quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với chính trị khu vực. 

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama diễn ra chỉ vài tháng sau khi Mỹ, Việt Nam và 10 quốc gia khác ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại quốc tế quan trọng được thiết kế nhằm giúp các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn vào các thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ hồi tháng 7/2015 (Ảnh VPG)

IBT cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ổn định nhờ vào sự mở rộng sản xuất và xây dựng, nhu cầu nội địa tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ. Theo Ngân hàng Phát triển Thế giới (ADB), GDP của Việt Nam đã tăng 6,7% trong năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 7 năm. 

Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% năm 2016. Theo kế hoạch kinh tế vĩ mô mới giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 7%. 

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã chậm lại xuống còn 5,46% trong quý 1 năm nay, so với mức tăng trưởng 7,01% ghi nhận trong quý IV năm ngoái. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, TPP có thể hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững bằng cách giảm thiểu các loại thuế đối với xuất khẩu điện thoại di động, hàng dệt may, và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Gần đây, Viện nghiên cứu Peterson tại Washington dự đoán rằng, hiệp định thương mại do Mỹ đứng đầu có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên 8,1% trong năm 2030, trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định quan trọng này. 

Các bên tham gia TPP vẫn cần phải hoàn thiện và phê chuẩn TPP, và tiến trình này có thể mất vài năm đàm phán. Tổng thống Obama khẳng định TPP sẽ cho phép Mỹ "nắm quyền chi phối" về thương mại với châu Á và đó là lý do Chính phủ Mỹ chủ trương phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Đồi Capitol để TPP nhận được sự phê chuẩn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Thực tế cho thấy, Tổng thống Obama đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hoàn tất TPP trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017. Tuy nhiên, Nhà Trắng cần phải vượt qua được quan điểm phản đối của nhóm nghị sỹ cánh tả trong đảng Dân chủ và các nghị sỹ cánh hữu bên đảng Cộng hòa.

 

Chính quyền Tổng thống Obama cho biết, thỏa thuận này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn đối với thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, TPP là một chiến thuật về địa chính trị nhằm thúc đẩy vị thế kinh tế của Mỹ tại khu vực châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng tại đây.

IBT nhận định, Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama mang tính biểu tượng, bởi cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã chấm dứt cách đây 41 năm vào cuối tháng 5. Quan hệ Việt - Mỹ đã được bình thường hóa 20 năm sau đó vào năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - vị lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Còn cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng đã tới Việt Nam vào năm 2006. 

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào tuần tới là một phần trong chuyến công du châu Á kéo dài từ ngày 21/5 đến 28/5. Trong chuyến đi này, ông chủ Nhà Trắng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản và có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

Nên đọc
NM (Theo IBTimes)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo