Quốc tế

Obama tới Ấn Độ với kỳ vọng về quốc phòng, hạt nhân

Chỉ bốn tháng sau khi gặp nhau tại Nhà Trắng, ngày mai Tổng thống Mỹ Obama tái ngộ Thủ tướng Ấn Độ Modi và làm khách danh dự trong lễ diễu binh của Ấn Độ, cho thấy tham vọng nhanh chóng thắt chặt các mối liên hệ của hai cường quốc.

Ông Barack Obama (phải)và ông Narendra Modi gặp mặt tại phòng Bầu dục nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Reuters
 

Ông Obama là lãnh đạo đầu tiên của nước Mỹ tham dự buổi lễ diễu hành chào mừng Ngày Cộng hòa tại New Delhi. Sự hiện diện của ông sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng: Ấn Độ và Mỹ "đang vươn tới một tầm cao mới, vượt xa những gì đạt được trong quá khứ", Time dẫn lời Milan Vaishnav, nhà phân tích tại Quỹ Hòa bình Carnegie, nhận xét.

Chuyến thăm cũng làm nổi bật bước thay đổi nhanh chóng trong mối quan hệ song phương, từng rơi vào căng thẳng do vụ việc xảy ra năm 2013 liên quan đến Devyani Khobragade, phó tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York. Bà này bị cáo buộc gian lận thị thực và trả lương không thỏa đáng đối với một quản gia. Khobragade bị một số quan chức Mỹ còng tay và lục soát. Hành động này thổi bùng nhiều cuộc biểu tình ở Ấn Độ. Đáp trả, Ấn Độ lúc đó tước nhiều đặc quyền đối với những nhà ngoại giao Mỹ và gỡ bỏ các rào chắn an ninh xung quanh đại sứ quán Mỹ ở New Delhi.

"Người Ấn Độ rất tức giận, mối quan hệ vì thế  đi vào bế tắc", Robert Hathaway, cựu giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, học giả về chính sách công, nhận định. "Sự tương phản trong quan hệ hai nước từ năm ngoái đến nay có lẽ là điểm đáng chú ý nhất trong chuyến thăm lần này".

"Chúng tôi thật sự có kỳ vọng ông Obama sẽ tới thăm Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là sau khi ông đưa ra lời mời và Thủ tướng Modi nhiệt tình đáp lại. Nhưng chúng tôi không thể ngờ nó lại diễn ra sớm đến vậy", Tanvi Madan, chủ nhiệm dự án Ấn Độ tại Viện Brookings, nói. "Tôi nghĩ cả hai đều muốn tận dụng bước đà của chuyến thăm trước đây để gây dựng lại mối quan hệ", ông cho biết thêm, liên hệ tới sự kiện hồi tháng 9/2014, Thủ tướng Modi nhận lời mời của tổng thống Mỹ sang thăm chính thức Washington.

Năng lượng hạt nhân

Theo Reuters, quy mô, địa thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tiềm năng với tư cách một đối trọng trước Trung Quốc trong khu vực Nam Á của Ấn Độ khiến Mỹ càng đề cao quốc gia này hơn, đặc biệt trên khía cạnh quân sự và thương mại.

Washington mong qua chuyến thăm lần này một mối quan hệ gần gũi hơn nữa sẽ được thiết lập. Đổi lại, Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác trong hành động chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời tiếp cận những mặt hàng công nghệ cao phục vụ dân sinh và quân sự từ Mỹ.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ mở khóa cho các khoản hợp tác đầu tư trị giá nhiều tỷ USD giữa Mỹ và Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước năm 2008 ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, một điều khoản quy định các nhà thầu cung cấp dịch vụ sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có rủi ro hay tai nạn xảy ra trong quá trình thi công đã khiến New Delhi phải cân nhắc lại thỏa thuận. Điều này không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực mà Ấn Độ quan tâm. New Delhi mong muốn các công ty Mỹ giúp đỡ trong việc điều phối khoản tiền trị giá 100 tỷ USD đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Ông Modi trong chuyến thăm Washington năm ngoái từng hứa tạo điều kiện để các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này vượt qua các rào cản và tiếp cận dễ dàng hơn tới thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi yêu cầu các công ty nước ngoài phải chế tạo nhiều trang thiết bị ngay tại Ấn Độ. Đây là một trở ngại lớn bởi theo các lãnh đạo doanh nghiệp, điều này sẽ khiến chi phí tăng gấp nhiều lần.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế là khía cạnh phải được đem ra bàn thảo trong chuyến công tác tới Ấn Độ lần này của Tổng thống Mỹ, cây bút Andrew MacAskill từ Reuters bình luận. Ông Modi và Obama năm ngoái lạc quan khi đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần kim ngạch thương mại, lên mức 500 tỷ USD. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ không ít lần phải thất vọng trước thực tế là khả năng tiếp cận thị trường Ấn Độ bị giới hạn nhiều mặt. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ tại Ấn Độ cũng là một thách thức cần vượt qua.

Quan trọng hơn cả, chuyến thăm sắp tới sẽ là cơ hội để đôi bên củng cố hợp tác quốc phòng. Như thường lệ, mọi mối quan tâm đều đổ dồn vào các thỏa thuận về quốc phòng tiềm năng, là tiền đề cho những bước tiến dài trong quan hệ song phương.

Quốc phòng

Trong năm qua, hai quốc gia đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về hợp tác quốc phòng. Ước tính Ấn Độ đặt hàng khoảng 10 tỷ USD tiền vũ khí từ đối tác Mỹ chỉ trong vòng một thập kỷ. Với những đột biến về khối lượng giao dịch, Mỹ năm 2013 trở thành nhà cung cấp vũ khí số một của Ấn Độ, đánh bật Nga, vốn là một lựa chọn ưa thích của New Delhi.

Ấn Độ và Mỹ năm nay chuẩn bị làm mới khuôn khổ hợp tác quốc phòng. Hiệp định khung Quốc phòng Mỹ - Ấn, có thời hạn 10 năm, được ký vào năm 2005 dưới thời tổng thống George W. Bush sắp hết hạn. Hiệp định này thiết lập một cơ chế chung cho quan hệ song phương, đề ra 4 lợi ích cùng chia sẻ, 13 lĩnh vực hợp tác và thiết lập nhiều cơ quan chuyên trách có nhiệm vụ định hướng cho quan hệ quốc phòng.

Theo Diplomat, Washington và New Delhi cũng sẽ tìm cách để tận dụng triệt để Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng (DTTI), công bố năm 2012. DTTI là một thỏa thuận có nội dung hỗ trợ thúc đẩy hợp tác Mỹ - Ấn trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng và cho phép cùng hợp tác phát triển các hệ thống quốc phòng then chốt.

Các quan sát viên theo dõi mối quan hệ Mỹ - Ấn lâu năm đều hiểu rằng DTTI chỉ là một biên bản thể hiện sự thỏa hiệp giữa ưu tiên về thương mại của Washington với mối quan tâm của Ấn Độ tới quá trình chuyển giao công nghệ từ Mỹ nhằm giúp New Delhi xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng bản địa. Điều này dẫn tới bất đồng trong những sáng kiến thúc đẩy hợp tác. Trong hai năm qua, tất cả 17 dự án mà Washington đề xuất liên quan đến DTTI đều không được thông qua.

Những vướng mắc đáng thất vọng trên có thể sẽ được giải quyết triệt để trong chuyến thăm lần này. Ông Frank Kendall, thứ trưởng chuyên trách giao dịch quốc phòng, công nghệ và dịch vụ hậu cần của Mỹ cùng đồng sự, trước thềm chuyến thăm của ông Obama, đã tới New Delhi để chốt một số chi tiết quan trọng với đối tác Ấn Độ.

Theo các nguồn thông thạo vấn đề, Ấn Độ và Mỹ sẽ cố gắng phá vỡ tình trạng trì trệ bấy lâu bằng hai dự án hợp tác thử nghiệm: phát triển máy bay không người lái RQ-11 "Quạ đen" và cải tiến máy bay vận tải quân sự C-130.

Đây không phải là những dự án có tính chất đột phá. Nhưng giới chuyên gia cho rằng những bước nhỏ bé này sẽ giúp thổi làn gió mới, tạo đà thúc đẩy cho việc áp dụng sáng kiến trên. Dù các quan chức đôi bên không lên tiếng thừa nhận nhưng 2015 sẽ là năm "quyết định thành bại" đối với DTTI, Diplomat dẫn lời Joshua White, phó giám đốc chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, cựu cố vấn Lầu Năm Góc, đánh giá.

Mỹ và Ấn Độ cũng có thể sẽ thảo luận các biện pháp mới nhằm bổ sung vào những tuyên bố chung được đưa ra sau chuyến thăm của ông Modi tới Washington 4 tháng trước.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như: đào tạo, huấn luyện, trao đổi quân sự cũng sẽ được tính đến để góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

Trước những diễn biến trên Biển Đông năm 2015 được dự báo vẫn phức tạp, giới quan sát cũng chờ đợi những bước phát triển mới trong hợp tác hàng hải Mỹ - Ấn, bao gồm cả khả năng tiếp tục tiến hành cuộc tập trận chung Malabar, vốn gây nhiều tranh cãi trước đây.

Chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Ấn Độ Stephen Cohen gần đây nhấn mạnh Mỹ và Ấn có rất nhiều điểm chung, thể hiện ở các mặt như cùng chia sẻ mối hoài nghi đối với Trung Quốc, quan tâm sâu sắc tới vấn đề Pakistan và cam kết chống khủng bố. "Một tầm nhìn chiến lược chung giữa Mỹ và Ấn Độ đang hình thành", ông Cohen nhận xét, "một khi tầm nhìn chung này còn tồn tại thì quan hệ quốc phòng sẽ ngày càng bền chặt hơn".

Không cùng quan điểm với Cohen, bà Hathaway cho rằng Ấn Độ và Mỹ "rõ ràng đều mong muốn đi đến thống nhất nhiều vấn đề", họ sẽ thành công ở một vài khía cạnh nhưng "chưa có những bước tiến mang tính đột phá" trong chuyến thăm lần này.

VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo