Pháp luật

Ôm đất vàng, ngâm dự án?

Chậm tiến độ, lãng phí tài nguyên đất và từng bị “thổi còi” nhiều lần, thế nhưng 12 năm nay, Dự án tháp BIDV Diamond của Ngân hàng TM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở phường Dịch Vọng Hậu và phường Mỹ Đình II vẫn “thoát án” thu hồi.

Được biết, ngày 25/12/2002, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 8917/QĐ-UB thu hồi 3.344m2 đất tại phường Dịch Vọng (nay là Dịch Vọng Hậu), quận Cầu Giấy và xã Mỹ Đình (nay là phường Mỹ Đình II), Q. Nam Từ Liêm, để giao cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long (BIDV Thăng Long) thuê để xây dựng văn phòng làm việc và giao dịch, thời hạn thuê đất 30 năm. 

Mặc dù có đất nhưng dự án vẫn không được triển khai. Gần 5 năm sau, tháng 8/2007, BIDV có Công văn số 4465/CV-BQLCT gửi UBND thanh phố Hà Nội, cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc điều chỉnh mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất tại khu vực này tăng chiều cao của công trình từ 13 tầng lên 30 tầng, diện tích sàn xây dựng khoảng 50.000m2, mật độ xây dựng khoảng 50%. 

Sau gần 2 năm "xem xét”, ngày 24/3/2009, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 2318/UBND-KT về việc cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tháp BIDV khu vực Tây Hà Nội. Đến tháng 9/2009, UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho BIDV để thực hiện dự án tháp BIDV Diamond.

Một lần nữa BIDV lại lỗi hẹn, tới ngày 13/01/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đã phải ra "tối hậu thư” gửi BIDV Thăng Long, trong đó đề nghị trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày 1/2/2010, nếu ngân hàng vẫn không thể đưa diện tích đất được giao vào sử dụng thì phải trả lại đất cho Thành phố.

Và chính BIDV Thăng Long được “cứu sống” nhờ Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 2/6/2011 của TP. Hà Nội về việc điều chỉnh hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và tên người sử dụng đất. Trong đó, điều chỉnh tên người sử dụng đất từ chi nhánh BIDV Thăng Long sang BIDV, thời hạn sử dụng đất từ 30 năm lên tới 50 năm. Thực hiện quyết định của UBND Thành phố, trong hai đợt: Ngày 31/10/2012 và ngày 05/11/2012, BIDV đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 168,3 tỉ đồng. Cũng từ đó đến nay mảnh đất “vàng” vẫn nằm im bất động và cỏ dại mọc um tùm, dọc ven theo đường Phạm Hùng thuộc khuôn viên đất của BIDV thì “mọc” lên Công ty CP Đầu tư và Phát triển ô tô Việt Nam và Trung tâm dịch vụ rửa xe, sửa chữa xe, trông giữ xe ô tô. Dự luận băn khoăn liệu các đơn vị trên có được BIDV “bật đèn xanh” cho thoải mái kinh doanh hay họ tự ý “nhảy” vào chiếm đất làm ăn phi pháp và trốn thuế trên chính mảnh đất của BIDV?!

Khu đất vàng của Ngân hàng BIDV biến thành bãi trông giữ xe ô tô

Do dự án được điều chỉnh nhiều lần, lại chậm tiến độ nên bị nhiều cơ quan chức năng “sờ gáy”, chỉ ra hàng loạt sai phạm. Tại Kết luận thanh tra số 1137/KLTTr-BTNMT ngày 8/4/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ: Việc BIDV Thăng Long có dự án và các quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án có một phần kinh doanh bất động sản, nhưng chưa báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và không đúng với chức năng và giấy đăng ký kinh doanh của ngân hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, BIDV Thăng Long chưa đưa đất vào sử dụng sau khi được bàn giao đất tại thực địa…

Từ những sai phạm trên, Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị, yêu cầu BIDV Thăng Long tập trung hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng trước ngày 30/5/2011. Lạ thay BIDV vẫn “phớt lờ” sự chỉ đạo của cơ quan quản lí Nhà nước.

Mới đây, ngày 8/7/2014, Sở TN&MT Hà Nội đã có Kết luận thanh tra số 1259/KL-STNMT-TTr tiếp tục trình UBND thành phố chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất đối với dự án Tháp BIDV Diamond.

Nguyên nhân chậm trễ trong việc xây dựng được BIDV giải thích: Do nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, vì vậy Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 đề ra những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư… nên BIDV đã tạm thời giãn tiến độ dự án, chưa khởi công công trình và tiếp tục thuê trụ sở để hoạt động tại khu vực này.

Dư luận đặt câu hỏi ngược lại, từ năm 2002 đến trước năm 2011 (khi Nghị quyết số 11/NQ-CP chưa ra đời)  BIDV làm gì mà không tiến hành xây dựng “ngôi nhà chung” cho mình. Và chuyện đã rồi thì BIDV lại đưa ra nhiều lí do để biện minh cho việc làm chậm trễ của mình.

 Theo quy định của Luật Đất đai, đối với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chỉ được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ một lần và chậm không quá 12 tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ, hoặc quá thời hạn cho phép được chậm tiến độ nêu trên, thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất.

(Trích từ Nghị định 43/2014/ NĐ - CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013)

Nhóm PV điều tra
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo