Phân tích

Ổn định tỷ giá quyết định mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016

(DNVN) - Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào nỗ lực tiếp theo tại các nước có thu nhập cao, về khả năng ổn định giá cả, về mức độ chuyển đổi kinh tế tại Trung Quốc theo hướng dựa vào nhu cầu và mở rộng dịch vụ trong nước.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) công bố mới đây, WB đánh giá mức tăng trưởng kinh tế yếu ớt tại hàng loạt các nước mới nổi hàng đầu là trở ngại đối với nỗ lực giảm nghèo và cùng phát triển do những quốc gia này vốn đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh trên 40% người nghèo trên thế giới tập trung tại các nước đang phát triển, tác động lan truyền từ các nước mới nổi sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển và đe dọa kết quả xóa đói giảm nghèo trong thời gian qua.

Ảnh minh họa.

Trong năm 2015, kinh tế toàn cầu tăng thấp hơn so với kỳ vọng. Trong đó, giá cả hàng hóa giảm sâu, dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển đạt thấp, và bất ổn tài chính đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào nỗ lực tiếp theo tại các nước có thu nhập cao, về khả năng ổn định giá cả, về mức độ chuyển đổi kinh tế tại Trung Quốc theo hướng dựa vào nhu cầu và mở rộng dịch vụ trong nước.

Năm 2016, GDP tại các nước đang phát triển được dự báo tăng 4,8%, thấp hơn dự báo đưa ra trước đó, nhưng cao hơn kết quả tăng 4,3% sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008. Trong đó, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng thấp, kinh tế Brazil và CHLB Nga vẫn bị suy thoái, riêng kinh tế các nước nam Á tiếp tục tăng vững. Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ là động lực hỗ trợ thương mại toàn cầu.

Tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương, GDP năm 2016 được dự báo tiếp tục tăng thấp và đạt 6,3%, giảm nhẹ so với kết quả tăng 6,4% trong năm 2015. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,7%, thấp hơn kết quả tăng 6,9% trong năm 2015. Tại những quốc gia khác trong khu vực, GDP năm 2015 tăng 4,6%, hầu như không thay đổi so với kết quả năm 2014, do GDP tăng thấp tại Indonesia và Malaysia nhưng GDP tại Việt Nam và Thái Lan tăng cao. Rủi ro đối với khu vực này bao gồm kinh tế Trung Quốc có thể giảm nhanh hơn so với kỳ vọng, khả năng kiềm chế bất ổn trên các thị trường tài chính, và tác động bất ngờ từ các biện pháp thắt chặt tài chính.

Tại châu Âu và Trung Á, GDP năm 2016 dự kiến tăng 3%, cao hơn kết quả tăng 2,1% trong năm 2015 do giá dầu giảm chậm và ổn định hơn, tình hình kinh tế tại CHLB Nga cải thiện một bước, kinh tế Ukraina tiếp tục phục hồi. Năm 2016, GDP tại CHLB Nga dự báo chỉ giảm 0,7%, sau khi giảm 3,8% vào năm 2015. GDP tại Đông Âu, Nam Caucasus và Trung Á có thể tăng nhẹ nếu giá cả hàng hóa ổn định. Tại các nước Balcan như Bungari, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ, GDP năm 2016 có thể tăng nhẹ nhờ kinh tế khu vực euro phục hồi.

Tại các nước Mỹ Latinh và Caribê, GDP năm 2016 được kỳ vọng phục hồi nhẹ, sau khi giảm 0,9% trong năm 2015 do khu vực này phải đối phó với xu hướng giá cả hàng hóa giảm thấp và suy thoái kinh tế tại Brazil. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Trong khi GDP tại các nước Nam Mỹ tăng thấp, GDP tại những nước còn lại có triển vọng khả quan. Năm 2016, kinh tế Brazil được dự báo tiếp tục suy thoái, nhưng dự báo sẽ tăng trở lại từ năm 2017. Mặc dù giá dầu giảm thấp và khó khăn tài khóa, GDP tại Mêxicô dự báo sẽ tăng tốc nhờ kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế và nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh.

 

Tại Trung Đông và Bắc Phi, GDP dự kiến tăng tốc và đạt 5,1% vào năm 2016, sau khi tăng 2,5% vào năm 2015, do các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran được dỡ bỏ sẽ cho phép quốc gia này đóng vai trò rất lớn trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Tương tự, GDP tại những nước xuất khẩu dầu mỏ khác trong khu vực được dự báo tăng mạnh do giá dầu có thể sẽ ổn định trở lại. Rủi ro đối với khu vực này có thể gia tăng do bất ổn địa chính trị, giá dầu tiếp tục giảm và rối loạn xã hội nếu các chính phủ bị thất bại trong việc cải thiện đời sống.

Tại Nam Á, GDP năm 2016 được kỳ vọng tăng cao và đạt 7,3%, sau khi tăng 7% vào năm 2015. Khu vực này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu dầu, nên giá dầu thấp được coi là cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế. Hơn nữa, sự chậm trễ trong quá trình hội nhập quốc tế lại giúp khu vực này tránh được những tác động bất thường từ tình hình kinh tế bên ngoài. Trong năm tài khóa 2016-2017, GDP tại Ấn Độ và Pakistan lần lượt được dự báo tăng 7,8% và 4,5%.

Tại Châu Phi và cận Sahara, GDP năm 2016 được dự báo tăng 4,2%, sau khi tăng 3,4% trong năm 2015 do giá cả hàng hóa ổn định. Tăng trưởng kinh tế tại khu vực này có sự khác biệt đáng kể. Nhu cầu tại những nước xuất khẩu dầu mỏ tiếp tục yếu ớt do chi phí năng lượng tăng cao, trong khi lạm phát thấp tại các nước nhập khẩu dầu mỏ sẽ khuyến khích nhu cầu. GDP năm 2016 tại Nigeria được dự báo tăng 4,6%, sau khi tăng 3,3% trong năm 2015. GDP năm 2016 tại Cộng hòa Nam Phi chỉ tăng 1,4%, tăng nhẹ từ kết quả tăng 1,3% trong năm 2015.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo