Thị trường

Ông Cao Sỹ Kiêm chính thức là Thành viên hội đồng quản trị DongABank

Ông Cao Sỹ Kiêm chính thức được bầu là Thành viên HĐQT NHTMCP Đông Á. DongABank đã được một ngân hàng nhóm 1, một ngân hàng nhóm 2 có đại diện nước ngoài 20% đặt vấn đề hợp nhất.

Sáng nay, ngày 30/3/2012, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank) đang tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2012.

 

Theo tờ trình số 10, hội đồng quản trị ngân hàng đã xin ủy quyền cho hội đồng quản trị chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, phân tích khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán các đối tác có những điểm phù hợp với tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức,… với DongABank và khi có điều kiện phù hợp, hội đồng quản trị sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến đại hội cổ đông quyết định. 

 

Trước đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng cũng đã phát đi thông điệp về ý định mua bán - sáp nhập ngân hàng khác.

 

Trong những tháng đầu năm 2012, hội đồng quản trị DongABank  đã tiếp nhận rất nhiều lời đề nghị xin được tiếp xúc với ngân hàng từ các định chế tài chính quốc tế cũng như một số ngân hàng trong nước liên quan đến việc hợp tác, sáp nhập.

 

Đúng 9h đại hội cổ đông Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á bắt đầu khai mạc.

 

Điểm đáng chú ý,  DongABank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc bầu ông Cao Sỹ Kiêm làm thành viên hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2010 - 2015. 

 

Theo tài liệu gửi đại hội, ông Cao Sĩ Kiêm sinh ngày 26/8/1941 tại Thái Bình. Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ông Kiêm không sở hữu cổ phiếu nào tại ngân hàng Đông Á.

 

Sau khi bầu bổ sung một thành viên hội đồng quản trị nếu được đại hội cổ đông thông qua, hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á sẽ bao gồm tám thành viên, với cơ cấu như sau: một Chủ tịch, một Phó chủ tịch thường trực, hai thành viên hội đồng quản trị độc lập, một thành viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc và ba thành viên hội đồng quản trị.

 

Trong bản trình bày báo cáo của mình ông Phạm Văn Bự - Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Đông Á cho biết: Ngân hàng xác định năm 2012 sẽ là năm tập trung vào việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị. Ngay từ những tháng đầu năm, DongABank đã tiếp xúc với một số nhà tư vấn chiến lược nước ngoài và đã chọn được một nhà tư vấn. Dự kiến tháng tư tới đây, ngân hàng này sẽ triển khai tái cơ cấu toàn diện

 

Về vấn đề niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Bự bày tỏ quan điểm: Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn, cụ thể là liên tục sụt giảm từ năm 2011 đến này; do đó nếu niêm yết vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cổ đông

 

Thêm vào đó, hiện nay DongABank chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài, nếu niêm yết thì rủi ro về mua "gom" trên sàn là rất lớn.

 

Ông Bự đề nghị tiếp tục lùi thời hạn niêm yết để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.

 

Bà Vũ Thị Vang - Phó chủ tịch hội đồng quản trị  đọc các tờ trình trước đại hội cổ đông. Theo đó, DongABank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc chấm dứt một số hoạt động không liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Đó là hoạt động cho thuê kho bãi và giao nhận hàng hóa. 

 

Bà Vang giải thích, trước kia hoạt động này không nằm trong trường hợp bị ngân hàng nhà nước cấm nên ngân hàng Đông Á đã mở 2 kho (1 ở Bình Chánh và 1 ở Nhà Bè) để chứa hàng thế chấp của khách hàng. Nay ngân hàng nhà nước không chấp nhận do đó không phải hoạt động tín dụng nên NH phải rút hoạt động này.

 

Về phần bổ sung ngành nghề, tại đại hội lần này DongAbank sẽ xin ý kiến cổ đông bổ sung thêm ngành nghề bao tiêu thanh toán.

 

Về việc tăng vốn điều lệ, ông Phạm Văn Bự - Chủ tịch hội đồng quản trị cho biết, sẽ ứng cổ tức 2012 để cho cổ đông tham gia đợt phát hành tăng vốn từ 5,000 tỷ lên 6,000 tỷ đồng.

 

Việc tăng vốn thêm 500 tỷ đồng sẽ hoàn tất vào tháng 4/2012. Sau đó mới bắt đầu thực hiện tăng từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng vào quý III và quý IV.

 

Ông Trần Phương Bình bổ sung, việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp DongABank nâng cao các hệ số an toàn. Mặc dù, ngân hàng nhà nước quy định về vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ  đồng nhưng với số vốn này sẽ là một hạn chế lớn trong chiến lược phát triển của các ngân hàng

 

Ông Bình cho biết, số vốn điều lệ hiện tại của DongABank nếu so với các ngân hàng bạn thì đó là một hạn chế lớn trong mắt các định chế tài chính nước ngoài.

 

"Hầu hết các định chế tài chính nước ngoài khi tiếp xúc với DongABank đều bày tỏ quan điểm muốn mua tỷ lệ quy định tối đa là 20%" do đó nếu số vốn điều lệ được tăng trước khi bán cho đối tác chiến lược nước ngoài thì một mặt thăng dự vốn cổ phần của DongAbank sẽ cao; mặt khác nếu năm 2013 DongAbank bán cho đối tác chiến lược nước ngoài thì vốn điều lệ của ngân hàng có thể lên đến 7.500 tỷ đồng"- ông Bình chia sẻ.

 

Phần thảo luận xoay quanh việc mua bán – sáp nhập ngân hàng, ông Bình cho biết, DongABank đã được một ngân hàng nhóm 1 đề xuất hợp nhất, một ngân hàng nhóm 2 có đại diện nước ngoài 20% cũng đặt vấn đề hợp nhất.
 

Tuy nhiên, hội đồng quản trị vẫn trong quá trình trao đổi và chưa có ý kiến của ngân hàng nhà nước nên chưa được công bố thông tin.
 

Đại hội đã cho phép hội đồng quản trị chủ động tiếp xúc, tìm hiểu các định chế tài chính trong và ngoài nước trong thời gian sớm nhất. Từ đó phân tích khả năng hợp tác, sáp nhập, mua bán của các đối tác, nếu phù hợp sẽ lập phương án và tờ trình cụ thể xin ý kiến Đại hội 

 
Trước lo lắng làm sao có thể giữ được thương hiệu DongABank khi sáp nhập. Ông Bình cho biết, các đối tác khi làm việc cùng Ngân hàng thì thương hiệu luôn được nhắc tới. hội đồng quản trị cam kết thương hiệu DongABank sẽ không biến mất.
 

Vào hồi 12h20p, đại hội đã đọc kiểm phiếu thông qua các nội dung tờ trình. Ông Cao Sỹ Kiêm chính thức được bầu là Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.
 

Theo TTVN

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo